Tin địa phương

Giảm tốc độ tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo do sạt lở bờ sông Hậu

Để làm rõ việc sạt lở bờ 2 bên sông Hậu có phải do sóng của tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo gây ra hay không, đại diện một số địa phương cho biết cần phải có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và khoa học.

Chiều 9/9, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Kế Sách (Sóc Trăng), do ảnh hưởng của tàu cao tốc hoạt động tuyến Cần Thơ – Côn đảo; đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông.

Ông Lê Vũ Đức – Chủ tịch UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, tình hình sạt lở bờ sông Hậu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của tàu cao tốc.

Ông Lê Vũ Đức – Chủ tịch UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng) phát biểu.

“Người dân phản ánh sóng của tàu cao tốc làm sạt lở, chìm ghe, xuồng và trôi ngư lưới cụ. Về góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi cũng thông cảm cho sự lo lắng của người dân. Do đó, cuộc họp ngày hôm nay chúng ta nên tìm cách để tháo gỡ, có thể là giảm tốc độ khi tàu đi qua khu vực này,... nhằm đảm bảo tính hài hoà giữa dân, nhà nước và doanh nghiệp”, ông Đức nêu ý kiến.

Đại diện lãnh đạo Phòng kinh tế Hạ tầng huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) phát biểu: Hiện nay, người dân sinh sống tại xã Phú Thành dọc theo tuyến sông Hậu bị sạt lở nhiều. Tại buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 4 vừa qua, người dân có phản ánh tuyến sông này có nhiều vị trí sạt lở nên không an tâm sinh sống.

Quang cảnh buổi họp đánh giá tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

“Trước khi tàu cao tốc chưa hoạt động, tuyến sông này vẫn diễn ra tình trạng sạt lở nhưng không nhiều. Từ khi khai thác tuyến tàu cao tốc này thì tần suất sạt lở cao hơn, chúng tôi không xác định nguyên nhân chính xác là do đâu”, vị lãnh đạo này nói.

Còn lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Sở rất chia sẻ với doanh nghiệp, tuy nhiên địa phương mong muốn sắp tới doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chuyên môn có những đánh giá toàn diện hơn. Nếu được, doanh nghiệp nên mời người dân, lãnh đạo các địa phương đi khảo sát để có cái nhìn tổng thể và khách quan có phải tàu chạy ra sóng làm sạt lở hay không…

Ông Đỗ Đoàn Hoài Vũ, Giám đốc Công ty CP Mai Linh Tây Đô cho biết, hiện nay, tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo có tải trọng chưa tới 500 tấn. Với tải trọng này thì tàu chỉ tạo sóng trên mặt nước và không phải sóng ngầm bên dưới. Do đó, nói tàu chạy sạt lở là không có cơ sở khoa học.

Đại diện lãnh đạo tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo phát biểu. Ảnh: Nhật Huy.

Ông Vũ cũng đưa ra dẫn chứng có những thời điểm tàu cao tốc không hoạt động nhưng vẫn có tình trạng sạt lở xảy ra, đặc biệt trên tuyến sông Hậu có những tàu tải trọng hơn ngàn tấn ra vào thường xuyên nên cũng có thể những tàu này tạo sóng ngầm gây sạt lở.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng nhìn nhận và tiếp thu những góp ý của đại diện các địa phương; đồng thời cho biết sẽ cho tàu giảm tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ khi di chuyển qua khu vực bị sạt lở.

“Để đánh giá một cách tổng thể có phải tàu cao tốc chạy gây ra sạt lở hay không, sắp tới chúng tôi và Trường Đại học Cần Thơ sẽ làm đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này để trả lời cho người dân được rõ”, ông Vũ khẳng định.

Tại buổi họp, ông Huỳnh Hồng Lực – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cũng yêu cầu doanh nghiệp khi vận hành tàu phải đảm bảo an toàn. Nhất là những khu vực có nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra sạt lở thì cho tàu chạy với tốc độ vừa phải, tránh gây ảnh hưởng hai bên bờ.

“Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp nên mời người dân và chính quyền địa phương trực tiếp đi tàu để khảo sát, nhằm đưa ra những đánh giá chính xác nhất", ông Lực nói.

Tác giả: Nhật Huy

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP