Kinh tế

Giải thể Chi cục hải quan cửa khẩu Cầu Treo

Từ hôm nay (1/6), Bộ Tài chính đã cho giải thể Chi cục Hải quan Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Cầu Treo, trực thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh theo Quyết định số 768/QĐ-BTC.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ảnh: VTV.vn

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Trường Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, trước khi Bộ Tài chính ra quyết định giải thể Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo, để tránh lãnh phí nguồn nhân lực, đơn vị đã chủ động điều động, luân chuyển một số cán bộ đến nhận nhiệm vụ tại Chi cục Hải quan Hồng Lĩnh và tăng cường một số cán bộ đến nhận công tác tại Chi cục Hải quan Vũng Áng, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh.

"Đến nay, tổng số 12 cán bộ, công chức từng làm việc tại Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo đã được bố trí công việc ổn định tại các đơn vị khác", ông Thọ cho hay.

Liên quan đến triển khai bàn giao cơ sở vật chất tại KKT Cầu Treo, ông Lương Trường Thọ cho biết, đơn vị đang trình Tổng cục Hải quan giải pháp xử lý theo hướng đề xuất giao cho một số bộ phận của Cục Hải quan Hà Tĩnh như Đội Kiểm soát Hải quan và Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy quản lý, sử lý để tránh lãng phí.

Được biết, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định 162/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính Phủ. Để quản lý nhà nước về Hải quan tại khu vực này, ngày 6/4/2010 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định 725/QĐ-BTC thành lập Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo.

Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2014, ai đã từng đặt chân đến Hà Tĩnh đều cảm nhận được hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa XNK tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo diễn ra sôi động, sầm uất, nhiều DN đầu tư “ăn nên làm ra” bởi KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 9 KKT trọng điểm giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan Hà Tĩnh thì số thu ngân sách tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giảm mạnh theo từng năm. Năm 2014 thu ngân sách KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 225 tỷ đồng, năm 2015 đạt 186 tỷ đồng, năm 2016 đạt 111 tỷ đồng, năm 2017 chỉ còn 45 tỷ đồng và trong quý I/2018, số thuế thu nộp vào NSNN từ hoạt động kinh doanh, XNK tại KKT cửa khẩu Cầu Treo chỉ đạt 11,5 tỷ đồng; kim ngạch XNK đạt được 4,4 triệu USD.

Nguyên nhân bởi từ khi Luật Thuế XK, thuế NK số 107 có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi Khu phi thuế quan, không còn được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây. Việc này khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT.

Vì vậy, việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu này với nội địa không còn là mối quan hệ xuất, nhập khẩu. Khối lượng công việc tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo gần như không còn (giảm tới 90%) nên không cần thiết phải duy trì hoạt động của Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo…

Cũng kể từ thời gian này, lực lượng Hải quan không làm thủ tục hải quan cho hàng hóa XNK ra vào khu phi thuế quan.

Trước tình hình đó, theo Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, trên tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Cục Hải quan Hà Tĩnh đã chủ động báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính về việc giải thể Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo.

Tác giả: Tuấn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP