Tin địa phương

Giải ngân vốn đầu tư công ở Cần Thơ vẫn chưa đạt yêu cầu

Đánh giá tại cuộc họp thường kỳ triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, UBND TP. Cần Thơ khẳng định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các nguồn vốn trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, cần có quyết tâm chính trị cao mới có thể hoàn thành kế hoạch.

Thi công công trình bờ kè sông Cần Thơ. Ảnh: Gia Cư

Áp dụng nhiều giải pháp mạnh nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Cần Thơ, tổng kế hoạch (KH) vốn được giao năm 2020 của Cần Thơ 8.290,9 tỷ đồng. Lũy kế thanh toán đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 3.964,8 tỷ đồng (47,8% KH). Trong đó, KH vốn trung ương giao 1.757 tỷ đồng cho 14 chủ đầu tư, lũy kế thanh toán 1.387 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 79% KH. Còn lại là vốn địa phương 6.533 tỷ đồng, lũy kế thanh toán 2.577 tỷ đồng, đạt 39,4% KH. Tỷ lệ trên được cho là thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung cả nước tại thời điểm này.

Cũng theo tổng hợp của KBNN có 6 dự án trọng điểm chiếm tỷ lệ vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đó là: dự án đường tỉnh 922; dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ; dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C; dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (WB3); dự án Bệnh viện Ung bướu và dự án khu tái định cư trên 6 quận.

Theo Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Cần Thơ Nguyễn Thành Phương, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn ODA chậm là việc đăng ký vốn của chủ đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư của cơ quan tham mưu có trường hợp chưa sát thực tiễn triển khai dự án; chủ đầu tư chưa lường hết một số khó khăn về thủ tục, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid -19 làm kéo dài thời gian triển khai các giai đoạn của dự án.

UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm. Ảnh: Gia Cư - CTV

UBND TP. Cần Thơ cho rằng, mặc dù cách đây hơn 3 tháng, thành phố cũng đã triển khai rất nhiều văn bản chỉ đạo, kèm theo đó là hàng loạt giải pháp được cho là mạnh nhất từ trước đến nay nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cụ thể, trong hai tháng qua, thành phố đã tiến hành xử phạt, chấm dứt hợp đồng đối với một số nhà thầu cố tình dây dưa không triển khai tiến hành xây lắp; đồng thời có các quyết định điều chuyển vốn từ các dự án không hoặc triển khai chậm sang các dự án có khả năng triển khai tốt hơn.

Đặc biệt, thành phố đưa chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công vào trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cuối năm đối với người đứng đầu. Hàng tuần, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đi kiểm tra thực tế tại các công trình và trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các khó khăn tại công trường…

Cơ hội thử thách thể hiện năng lực, bản lĩnh cán bộ

Để tháo gỡ khó khăn,vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu hoàn thành kế hoạch cao nhất trong 2 tháng cuối năm, UBND TP. Cần Thơ đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc các khâu trong quy trình với quyết tâm chính trị cao.

Theo đó, yêu cầu với các chủ đầu tư, đặc biệt là 3 chủ đầu tư có nguồn vốn lớn là Ban Quản lý dự án ODA, Ban Quản lý dự án 1 và Sở Y tế thành phố phải thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất để kịp tiến độ.

Tiếp theo là yêu cầu các quận, huyện cần khẩn trương rà soát và đề ra các biện pháp tập trung rà soát từng dự án, công trình để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; từ đó đề ra kế hoạch chi tiết và tiến độ thời gian thật cụ thể, có cam kết, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

Phát biểu chỉ đạo mới đây tại phiên họp triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu, các sở, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm; xem đây là cơ hội thử thách để thể hiện năng lực, bản lĩnh của cán bộ, phục vụ công tác đánh giá cán bộ.

Trước đó, do khó khăn về giải ngân vốn vay nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cho phép được chuyển "trả lại" một khoản vốn ODA do không thực hiện được và xin gia hạn thời gian thực hiện của WB3 thêm 2 năm, kết thúc vào năm 2024 để kịp hoàn thành công trình thiết yếu, đảm bảo mục tiêu dự án.

Một số giải pháp tối ưu mà UBND tỉnh đang gấp rút triển khai tại thời điểm này đó là yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết hàng tuần để gửi chủ đầu tư theo dõi, kiểm tra. Trên cơ sở đó các chủ đầu tư xây dựng các kế hoạch thực hiện tiến độ triển khai giải ngân vốn từng dự án cụ thể, chi tiết từng gói thầu, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ giám sát), Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Hàng tuần các giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ phải họp giao ban rà soát dự án. Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng các chủ đầu tư nêu các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kịp thời cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để giải quyết nhanh các thủ tục của dự án; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay việc luân chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết./.

Tác giả: Gia Cư

Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP