Thế giới

Giải mã nội tình khiến quan chức Trung Quốc liên tục tự sát

Trong bối cảnh chính quyền Tập Cận Bình không ngừng đẩy mạnh chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", một số quan tham Trung Quốc bị điều tra, lo sợ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc trước mắt đã chọn cách tự sát, phần lớn vì muốn gia đình, người thân không bị liên lụy.

Liu Xiaohua, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông vừa tự tử bằng cách treo cổ chưa rõ lý do.

Chỉ riêng hôm Chủ nhật tuần trước (12.6), ít nhất 2 quan chức chính phủ Trung Quốc đã tự sát. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Liu Xiaohua, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông đã treo cổ tự tử tại nhà riêng ở thành phố Quảng Châu vào chiều 12.6.

Chỉ vài giờ trước đó, bà Xiao Bibo, người đứng đầu Phòng bảo vệ bí mật của quận Yantian, thành phố Thâm Quyến cũng nhảy cầu tự sát.

Cảnh sát Trung Quốc cho biết, họ vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên dân dẫn tới hành động tự sát của hai quan chức trên. Hiện chưa có thông tin gì về việc ông Liu Xiaohua hay bà Xiao Bibo đang là đối tượng bị điều tra tham nhũng.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra phát hiện ngày càng nhiều trường hợp quan chức Trung Quốc tự tử hoặc "chết không bắt nguồn từ những nguyên nhân tự nhiên".

Một bài bình luận trên tờ Guangming Daily dẫn số liệu từ năm 2003 đến năm 2012 - khi ông Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch Trung Quốc có ít nhất 68 quan chức tự sát.

Tuy nhiên, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cầm quyền, chỉ trong 2 năm đầu tiên, con số các quan chức Trung Quốc tự sát là ít nhất 77 người.

Sự gia tăng tỷ lệ tự sát trong giới quan chức Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang ráo riết chống tham nhũng. Chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ông Tập phát động bắt đầu truy quét từ bộ máy chính phủ đã lan sang ngành quân đội, ngân hàng, kinh tế lẫn công nghiệp... gây áp lực cực lớn lên giới quan chức Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với ông Vương Kỳ Sơn - người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau lễ khai mạc cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc gọi tắt là Chính hiệp ngày 3.3.


Ông Yuan Yulai, một luật sư nổi tiếng ở tỉnh Chiết Giang cho biết, ông không ngạc nhiên khi nhiều quan chức, cán bộ nhà nước tự sát trước khi họ bị các thanh tra tham nhũng của Đảng Cộng sản thẩm vấn. Theo ông Yuan, quá trình thẩm vấn nghi phạm tham nhũng của Bắc Kinh, được gọi là shuanggui, đặc biệt hà khắc.

Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường bị xử lý bởi cơ quan Kiểm tra Kỷ luật (CCDI) của Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ bị giam giữ biệt lập và bị thẩm vấn trước khi được bàn giao cho các công tố viên. Các công tố viên sau đó hỗ trợ điều tra hình sự và truy tố nghi phạm.

Không rõ cơ chế hoạt động cũng như thời gian tối đa của quá trình shuanggui nhưng có thông tin cho rằng, nó rất khủng khiếp. Đã có thông tin về những trường hợp quan chức điều tra lạm quyền.

Trong năm 2013, một kỹ sư trưởng 42 tuổi làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ và tham ô đã chết trong phòng giam sau khi bị bắt giữ 38 ngày.

Đối với một số quan chức tham nhũng khác, việc tự sát có thể là biện pháp cuối cùng để bảo vệ gia đình, người thân.

Theo luật pháp Trung Quốc, một quan chức bị cáo buộc tham nhũng nếu qua đời trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì việc truy tố sẽ tự động chấm dứt ngay lập tức.

"Một khi nghi phạm đã chết, các cơ quan tư pháp sẽ ngừng việc điều tra trách nhiệm hình sự hoặc ngừng phiên tòa xử họ", theo Bộ luật hình sự Trung Quốc.

Theo đó, bằng cách tự sát, các quan tham Trung Quốc có thể khép lại vụ án của họ, tránh để người thân, gia đình bị điều tra và liên lụy.

Có lẽ vì thế mà trước khi tự sát ngày 22.10.2015, ông Chen Hongqiao, 49 tuổi, cựu Chủ tịch một công ty chứng khoán nhà nước đã để lại lời nhắn rằng: "Hãy để yên cho vợ và các con tôi". Ông Chen cũng tự sát bằng cách treo cổ tai nhà riêng ở Thâm Quyến.

Tác giả bài viết: Phương Đăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP