Kinh tế

Giá xăng dầu đã hạ nhiệt, có cần giảm thêm thuế?

Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu dù đã giảm mạnh nhưng vẫn neo cao và có thể sớm tăng trở lại do giá dầu thế giới diễn biến khó lường.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), giá xăng giảm tới hơn 3.000 đồng/lít đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn sau thời gian dài bị “bóp nghẹt” giữa hai gọng kìm dịch bệnh COVID-19 và “bão giá” nhiên liệu.

“Doanh nghiệp nói chung và ngành vận tải nói riêng có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí và hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Việc giảm sâu giá xăng dầu cho thấy cách điều hành, quản lý giá mặt hàng chiến lược này đã có những chuyển biến tích cực và hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân.”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để góp phần giảm thêm giá nhiên liệu thời gian tới. "Mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, trong khi đó, so với cuối năm ngoái, giá xăng dầu đã tăng đến trên 50%", ông Hải tính.

Doanh nghiệp muốn giá xăng dầu giảm thêm để hồi phục nhanh sau đại dịch

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (chủ sở hữu thương hiệu xe Sao Việt), cũng cho rằng để ứng phó với tình hình biến động tiêu cực của giá dầu thế giới, nhà điều hành cần tính toán giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

“Liên bộ Công Thương - Tài chính cần tính toán, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu. Chỉ có như thế mới giúp hạ nhiệt giá mặt hàng chiến lược này, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô thế giới vẫn diễn biến phức tạp”, ông Bằng đề xuất.

Ông Đỗ Quốc Huy, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Thái Bình - Hà Nội, Thái Bình - Quảng Ninh nêu quan điểm, mức giảm hơn 3.000 đồng/lít xăng tuy rất quý và tác động tích cực nhưng vẫn không như kỳ vọng bởi theo tính toán, giá xăng có thể giảm được 4.500 - 5.000 đồng/lít, giá dầu có thể giảm ít nhất 4.000 đồng/lít nếu không thực hiện trích lập quỹ bình ổn.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, khi giá dầu thế giới vẫn tiếp tục biến động phức tạp thì trong các kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng rất lớn. Trong bối cảnh quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh phân tích, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn thì cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT…Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn thì việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang gồng gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí.

TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bỏ: “Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi".

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đồng quan điểm và cho rằng chính sách điều hành giá xăng dầu cần linh hoạt, kịp thời, đủ liều lượng để đạt được mục tiêu cấp bách là hạn chế tác động tiêu cực của giá xăng dầu tới nền kinh tế.

Để kiềm chế lạm phát tại thời điểm này, không còn cách nào khác ngoài việc lập tức thông qua chính sách giảm thuế để ghìm đà tăng của giá xăng dầu. Tuy nhiên, cần phải tính toán sau mức giảm đó nền kinh tế được tác động như thế nào, đã đạt được mục tiêu kéo giá nhiên liệu để kìm hãm lạm phát hay chưa.

Ông Ánh cũng cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu bởi vai trò của quỹ này đã hoàn thành, không còn lý do để duy trì. “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về bản chất và cơ chế hoạt động là thu lúc giá xuống, sử dụng trong lúc giá cao để giảm bớt biến động của giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới”, ông Ánh nói.

Liên quan đến câu chuyện trợ giá xăng dầu, theo ông Ánh, nên có cái nhìn tổng thể, nếu có hỗ trợ thì cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng do tăng giá xăng dầu, chứ không nên lựa chọn riêng đối tượng nào vì dễ xảy ra tiêu cực.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh có góc nhìn khác, khi nêu quan điểm cần cân nhắc khi giảm thêm thuế với xăng dầu. "Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường nên doanh nghiệp cũng như người dân cần thích nghi với biến động thị trường. Còn Nhà nước cần tạo khuôn khổ pháp lý để thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch.

Không phải vì Chính phủ thu thuế nhiều quá, bây giờ giá xăng dầu lên thì Chính phủ buộc phải giảm. Nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu tăng là do giá quốc tế, đến các nền kinh tế lớn như Mỹ cũng phải chấp nhận”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng nếu muốn giảm thuế thêm, có thể xem xét hỗ trợ thuế xăng dầu trực tiếp với từng ngành nghề khó khăn nhất định, chẳng hạn như doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn do giá xăng dầu cấu thành tới 30-40% giá thành dịch vụ.

“Việc hỗ trợ không thể cào bằng mà nên có sự tính toán, để thúc đẩy sản xuất. Ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu thì hỗ trợ nhiều”, ông Thịnh nói.

Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu. Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tác giả: HÒA BÌNH

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP