Trong phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao tháng 8/2016 trên sàn Comex phiên cuối tuần giảm 25 USD. Nhưng sau đó, giá vàng đã phần nào hồi phục và chốt tuần kết thúc vào 8/7 tăng 14,50 USD lên 1.353,5 USD/ounce.
Như vậy, chỉ riêng ngày cuối tuần 9/7, vàng trong nước đã tăng 700 ngàn, công với ngày thứ 6 trước đo vàng đã hồi phục được khoảng 1,7 triệu đồng sau khi bị tụt hơn 3 triêu khỏi đỉnh cao 40 triệu đã lập hôm 6/7
Với diễn biến này, các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street đa phần đều cho rằng giá vàng tuần tới tăng. Theo các nhà phân tích, tuy giá vàng có nhân được tín hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ nhưng điều không thể thay đổi được sự thật rằng lãi suất toàn cầu vẫn đang ở mức thấp kỷ lục và lợi tức thấp đến mức giới đầu tư sẽ ồ ạt đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn.
Về triển vọng trung hạn, hôm 8/7, Nhóm nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofA) đưa ra dự báo rằng giá vàng sẽ tăng thêm 10% kể từ nay cho tới cuối năm 2017 để đạt mức 1.500 USD/ounce.
Ông Michael Widmer – người đứng đầu nhóm nghiên cứu của BofA – cho rằng giá vàng đã bắt đáy vào tháng 2 và Brexit đang giúp giá vàng tăng thêm, củng cố quan điểm của họ. Do đó, ông Widmer và các cộng sự của mình đã nâng dự báo giá vàng trong năm 2017 từ 1.325 USD/ounce lên 1.475 USD/ounce.
Tuy nhiên, Các nhà phân tích của ngân hàng Societe Generale dự báo rằng giá vàng có thể đạt 1.350 USD/ounce vào đầu năm 2017 nhưng sau đó sẽ giảm chứ không tăng. Ngân hàng UBS cho rằng giá vàng sẽ đạt trung bình 1.400 USD/ounce trong năm tới trong khi Goldman Sachs lại cho rằng giá vàng sẽ tăng nhưng không thể quá cao.
Ở thị trường trong nước, sau phiên thứ 7 ngay 9/7 tăng mạnh thêm 700 ngàn đã chốt lại một tuần biến động lịch sử và đau thương của dân đâu cơ. Với mức giá chốt cao nhất khoảng cao nhất 37 - 37,7 triệu cho thấy vàng vẫn trong đà tăng và rình rập chờ giá thế giới để bùng nổ.
Nhìn lại chặng đường tuần này, giá vàng trong nước được ví như những cơn lốc xoáy thổi bay các mốc giá thấp để rồi thiết lập lại mức đỉnh của 3 năm trước đây. Theo đó giá vàng ngự trị tại mức thấp 35,90-36,20 lúc đầu tuần, đã vươn lên mức kỷ lục 38,30-39,80 phiên giữa tuần.
Đà tăng của giá vàng dường như thống lĩnh thị trường vàng suốt tuần qua, cũng bởi thế mà thị trường chứng kiến lượng khách quay trở lại thị trường vàng sôi động hơn nhiều so với các tuần trước đó ở cả hai chiều mua bán.
Cơn bão mang tên Brexit có sức ảnh hưởng mạnh tới thị trường vàng toàn cầu, theo đó giá vàng trong nước bắt đầu trỗi dậy lần 2 kể từ sự kiện này với tần suất tăng dần. Hòa chung với giá thế giới, giá vàng trong nước bứt phá mạnh có thời điểm tăng nhanh hơn so với đà tăng của giá vàng thế giới.
Đỉnh điểm trong tuần không thể không nhắc tới phiên giao dịch hôm 06/7, giá vàng liên tục được tiếp lực khi tăng tốc một cách chóng mặt từ mức giá đầu ngày 37,9 đã phi nước đại vượt ngưỡng 39 triệu và tiến sát ngưỡng 40 triệu đồng mỗi lượng, mức tăng kỷ lục nhất trong vòng 3 năm qua. Tính riêng phiên giao dịch hôm 6/7 giá vàng quốc tế tăng 8 USD/ oz từ 1366-1375 USD/oz, tương ứng 0.5%, thì giá vàng trong nước tăng 1,7 triệu đồng/ lượng tương ứng với 4.5%. Điều này cho thấy tốc độ tăng phi mã ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý đẩy giá vàng lên cao.Tuy nhiên nhà đầu tư chưa kịp định hình lại xu hướng thì lại chứng kiến giá vàng tuột dốc không phanh khi giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau 1 đêm giao dịch ở phiên 07/7.
Tâm lý đám đông dường như là bàn tay vô hình và là đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy ở thị trường vàng tuần qua. Chính tâm lý không vững vàng ấy đã tạo lực đẩy hối thúc những nhà đầu tư cuốn theo trào lưu mua vào khi mà giá đang ở mức cao đỉnh điểm và bán ra khi giá có chiều hướng đảo chiều bất ngờ.
Trước đó, các chuyên gia nhận định rằng diễn biến của thị trường vàng rất khó đoán, người dân nên cẩn trọng khi đi mua bán vàng để tránh thua thiệt về mình. Còn phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, biến động thị trường trong tuần này chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng.
NHNH sẽ theo dõi sát theo diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án cũng như có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường và sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương tại Nghị định 24.
Tác giả bài viết: Bảo Hân