Kinh tế

Giá dầu ‘hạ gục’ đại gia dầu khí trăm ngàn tỷ của Việt Nam ra sao?

Mặc dù phục hồi so với vùng “đáy” 30 USD/thùng nhưng giá dầu tiếp tục “hạ gục” nhiều đại gia dầu khí.

Trong vài năm trở lại đây, giá dầu liên tục sụt giảm. Thậm chí, giá dầu còn ở vùng “đáy” 30 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với “đỉnh” 117 USD/thùng. Giá dầu giảm khiến các doanh nghiệp dầu khí, từ lớn tới nhỏ, đồng loạt lao dốc.

Tới quý 2/2016, dù giá dầu đã đạt mức bình quân 40 USD/thùng, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ bắt đầu phục hồi, vẫn còn một vài đại gia dầu khí tiếp tục bị “hạ gục” như Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS),Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA).

Lợi nhuận tuột dốc

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) không chỉ là doanh nghiệp dầu khí lớn nhất mà có thời là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng hiện nay, GAS đành ngậm ngùi đứng sau Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) về vốn hóa.


Giá dầu giảm ảnh hưởng mạnh đến GAS

Có quy mô lớn và doanh thu phụ thuộc phần lớn vào giá dầu nên khi giá dầu sụt giảm, GAS là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tới quý 2/2016, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ dần phục hồi, GAS vẫn đi lùi.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, trong kỳ, doanh thu của công ty tiếp tục đi lùi khi chỉ đạt 15.762 tỷ đồng, 16 tỷ đồng so với quý 2/2016. Doanh thu giảm nhẹ nhưng giá vốn hàng bán lại tăng mạnh. Giá vốn hàng bán quý 2/2016 đạt 13.177 tỷ đồng, tăng 1.253 tỷ đồng.

Kết quả là lợi nhuận của công ty giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của GAS chỉ đạt 1.658 tỷ đồng, giảm 1.019 tỷ đồng, tương ứng 38% so với quý 2/2015.

Kết quả kinh doanh ảm đạm nên giá cổ phiếu GAS vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời hoàng kim. Dù vậy, do có khối lượng cổ phiếu khổng lồ, vốn hóa thị trường của GAS vẫn ở mức cao ngất ngưởng 121.498 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) còn có kết quả kinh doanh thê thảm hơn. Cả doanh thu và lợi nhuận của PVD đều lao dốc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 2/2016, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVD trong quý 2/2016 đạt 1.776 tỷ đồng, giảm 2.051 tỷ đồng, tương ứng 53,6%; Lợi nhuận sau thuế đạt 34,3 tỷ đồng, giảm 533 tỷ đồng, tương ứng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, do trượt dài từ rất lâu, đến nay, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) không còn là đại gia dầu khí. Cổ phiếu PVA rẻ như mớ rau và đã phải rời sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội xuống uPcom.

Nhưng đó chưa phải là khó khăn cuối cùng của PVA. Trong quý 2/2016, PVA báo lỗ 3,3 tỷ đồng. Con số lỗ trong quý 2/2015 của PVA là 3,8 tỷ đồng.

“Thủ phạm” là giá dầu

Giá dầu tiếp tục là “thủ phạm” khiến nhiều đại gia dầu khí gặp khó. Giải trình cho khoản lợi nhuận tuột dốc, GAS nhấn mạnh vào giá dầu.

Cụ thể, GAS cho biết giá dầu brent bình quân 6 tháng đầu năm 2015 là 58 USD/thùng, giá dầu brent bình quân 6 tháng đầu năm 2016 là 40 USD/thùng, giảm 18 USD/thùng. Giá dầu FO bình quân 6 tháng đầu năm 2015 và 2016 lần lượt là 342 USD/tấn và 189 USD/thùng. Giá dầu FO bình quân 6 tháng đầu năm 2016 giảm 153 USD/tấn làm cho giá bán các sản phẩm của công ty cũng giảm theo tương ứng, dẫn đến lợi nhuận giảm.

Không chỉ giá dầu, còn một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận của GAS đi xuống. GAS cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, GAS đã hạch toán phần cân đối năm 2014 của hợp đồng bán khí và vận chuyển khí Nam Côn Sơn làm lợi nhuận tăng 452 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó GAS phải điều chỉnh cách hạch toán doanh thu, chi phí của dịch vụ này. Vì vậy, phần cân đối của năm 2015 của hợp đồng bán khí và vận chuyển khí NCS đã được hạch toán trong kết quả kinh doanh quý 4/2015. Vì vậy kết quả kinh doanh của quý 2/2016 giảm 452 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá dầu không ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp tới PVD. Giá dầu giảm nên hoạt động khoan dầu của công ty giảm mạnh.

PVD cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế và hợp nhất của công ty mẹ giảm tương ứng 97,1% và 96,2%, chủ yếu do PVD chỉ có bình quân 2,7 giàn khoan sở hữu hoạt động trong quý 2/2016 so với 5 giàn cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, số lượng giàn khoan thuê hoạt động trong quý 2/2016 giảm xuống 1 giàn so với 3 giàn của cùng kỳ năm ngoái, khối lượng công việc và các dịch vụ liên quan đến khoan cũng giảm từ 40-60%.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP