Giá gạo trắng 5% tấm xuất tại cảng Sài Gòn giữ ổn định ở 390 – 395 USD/tấn so với tuần trước, với thị trường giao dịch chậm chạp.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong vài tuần gần đây bắt đầu "hạ nhiệt". Ở mức giá này, gạo Việt Nam đang dần lấy lại sức cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, đặc biệt là khi thị trường Ấn Độ bắt đầu đà tăng giá.
“Nông dân đang trong thời kỳ thu hoạch vụ lúa Hè Thu nhưng vì gặp mưa lớn nên tốc độ bị chậm lại, giúp giá lúa trong nước ổn định trở lại,” một thương lái ở TP.HCM cho biết.
Giới thương lái cho biết nông dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trồng lúa lớn nhất của Việt Nam, đến nay đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa Hè Thu.
|
Tương tự, gạo trắng 5% tấm xuất tại cảng Bangkok được báo giá ở 380 – 385 USD/tấn. Giá xuất khẩu gạo trung bình của Thái Lan hiện vào khoảng 382,5 USD/tấn và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Một thương lái ở Bangkok cho hay, Thái Lan đang ở trong thời kỳ thu hoạch vụ lúa trái mùa, với sản lượng khá tốt nhờ nguồn nước tưới tiêu đầy đủ.
Giá gạo đang ở mức thấp vì nguồn cung mới liên tục đổ về và đồng baht đang suy yếu. Thị trường giao dịch trầm lắng vì người mua muốn đợi giá giảm sâu hơn. Tuy nhiên, một thương lái khác dự báo giá sẽ sớm phục hồi vì hoạt động logistics đang dần cải thiện và nhu cầu bắt đầu tăng.
Ngày 24/7, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản vay trị giá 60 tỷ baht (1,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người nông dân đồng ý trữ gạo lại trong kho, thay vì bán ra ngoài thị trường và dẫn tới tình trạng dư cung.
Thị trường lúa gạo tại Ấn Độ có dấu hiệu khả quan hơn Việt Nam và Thái Lan, với giá gạo đồ 5% tấm tăng 3 USD lên 389 – 393 USD/tấn trong tuần này. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã thoát khỏi đáy 15 tháng từng ghi nhận được vào tuần trước.
“Gạo Ấn Độ đang rất canh tranh sau đợt giảm vừa qua. Người mua ở châu Phi vì vậy đã bắt đầu đặt hàng”, một doanh nghiệp xuất khẩu tại bang Andhra Pradesh cho biết.
Tính đến ngày 20/7, nông dân Ấn Độ đã gieo cấy được 15,65 triệu ha diện tích lúa Hè, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở phía nhập khẩu, Bangladesh đã mua 19.600 tấn gạo trong tháng 7, theo số liệu của Bộ Lương thực nước này. Trước đó, chính phủ nước này quyết định áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để khuyến khích người nông dân trồng lúa.
“Nhập khẩu gạo không mang lại lợi nhuận cho chúng tôi nữa. Vì vậy, chúng tôi không đặt thêm đơn hàng mới nào cả”, một thương lái tại Bangladesh nói.
Tác giả: Phan Vũ (Theo Reuters)
Nguồn tin: ndh.vn