Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Truyền (44 tuổi; ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), người đưa những nét đẹp mộc mạc của đồ chơi dân gian đến với trẻ em.
Ông Truyền cho biết ông đến với nghề này cũng là vì chữ "duyên". Khi đó, lúc có đứa con đầu lòng, ông thường tự làm đồ chơi cho con. Đối với những bậc làm cha làm mẹ, niềm vui nào lớn hơn khi thấy nụ cười hiện lên khuôn mặt trẻ thơ của con.
Cơ sở đồ chơi của ông Truyền |
Trong thời buổi đồ chơi bằng nhựa không rõ nguồn gốc được bày bán ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ nên ông Truyền nảy ra ý tưởng làm đồ chơi dân gian phù hợp với nhu cầu của các bé.
Theo đó, nguyên liệu xốp được ông Truyền đặt mua ở Long Xuyên (An Giang), còn sơn, bút long, kẽm… được anh mua ở chợ; con lăn bằng đất sét trắng được ông lấy dưới con sông trước nhà.
|
Từ đôi bàn tay khéo léo của ông Truyền... |
Khi lấy đất sét từ dưới sông lên, gia đình ông Truyền đem vò thành nhiều hình thù rất dễ thương, vui nhộn. "Thời tiết nắng tốt thì đất phơi 4-5 nắng là ổn, còn khi mưa thì khổ lắm", vợ ông Truyền tiết lộ.
Từ những vật dụng vô hồn như: xốp, đất sét, kẽm… nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của ông Truyền thì trở thành những con vật sinh động đầy màu sắc trông rất bắt mắt.
|
|
|
đã tạo ra những con vật trông rất ngộ nghĩnh |
Với giá cả bình dân chỉ từ 5.000 -10.000 đồng/con, cộng thêm màu sắc bắt mắt nên các món đồ chơi dân gian của ông Truyền đã thu hút được nhiều em nhỏ. Mỗi ngày, ông Truyền làm được gần 100 con vật lớn, nhỏ. Ước tính gia đình ông có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ các khoảng chi phí.
Các con lăn được làm bằng đất sét |
"Nhờ có nghề làm đồ chơi dân gian mà tôi có thể lo gia đình và nuôi cô con gái bước vào đại học", ông Truyền phấn khởi nói.
Cũng theo ông Truyền, lúc đầu tìm đầu ra cho đồ chơi rất vất vả, ông phải chạy đi bán cả ngày chỉ được vài chục con. Nhiều khi vợ khóc vì cực, ông Truyền chỉ biết an ủi và động viên vợ cùng cố gắng.
Cụ Nguyễn Thị Đài (81 tuổi, mẹ của ông Truyền) tuy lớn tuổi nhưng vẫn ngồi tỉ mỉ cắt từng miếng xốp để phụ giúp con cháu tạo ra các sản phẩm đồ chơi dân gian ngộ nghĩnh như: Chuộc, heo, rùa, cá sấu...
Cụ Đài cũng tỉ mỉ phụ cháu con sản xuất |
Do đặc trưng của nghề là phải ngồi liên tục nên ông Truyền cho biết ông thường xuyên bị đau nhức mình mẩy. Vậy nên, giờ ông Truyền ít chở hàng đi bán. "Nhiều khi nhớ chợ, nhớ nụ cười của trẻ con khi được bố mẹ mua đồ chơi nên tôi lại lên xe đi bán cho đỡ buồn", ông Truyền tâm sự.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông Truyền nhận được nhiều đơn đặt hàng sỉ và lẻ của khách ở khắp nơi. Những ai có nhu cầu học nghề, ông Truyền sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nhưng không nhận tiền học phí.
Tác giả: VÂN DU
Nguồn tin: Báo Người Lao Động