Thế giới

Gần 100 người thiệt mạng vì bạo loạn, Bangladesh áp đặt giới nghiêm

Ít nhất 97 người đã thiệt mạng khi bạo lực do biểu tình bùng phát trở lại tại Bangladesh trong ngày 4/8. Tình hình hỗn loạn buộc Chính phủ nước này phải áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc.

Các nguồn tin địa phương cập nhật tới đêm ngày 4/8 cho biết, ít nhất 97 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình trên khắp Bangladesh trong ngày Chủ nhật. Thương vong xảy ra khi cảnh sát nước này sử dụng lựu đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán các đám đông lên tới hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.

Một cảnh sát bị thương sau khi đụng độ với người biểu tình tại khu vực Karwan Bazar, thủ đô Dhaka ngày 4/8 (Reuters)

Trong số người thiệt mạng có ít nhất 13 cảnh sát. Đây là con số thương vong lớn nhất trong một ngày trong các cuộc biểu tình tại nước này thời gian qua. Trước đó, hôm 19/7, 67 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên đường phố Bangladesh khi sinh viên xuống đường đòi bãi bỏ hạn ngạch việc làm của Chính phủ.

Tình hình an ninh ngày càng xấu đi buộc Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina phải ban bố tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày Chủ nhật 4/8. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Bangladesh có động thái mạnh như vậy kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình từ đầu tháng Bảy. Bangladesh cũng tuyên bố nghỉ lễ trên toàn quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Hai (5/8).

Các vụ biểu tình và bạo loạn đang diễn ra được cho là thử thách lớn nhất với Thủ tướng Sheikh Hasina sau 20 năm cầm quyền. Bà Hasina được tuyên bố giành chiến thắng thứ 4 liên tiếp trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng Một. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã bị Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh - đảng đối lập chính tại nước này tẩy chay.

Những người chỉ trích Thủ tướng Hasina đã cáo buộc chính quyền đã sử dụng vũ lực quá mức cho phép đối với những người biểu tình, một cáo buộc mà bà và các bộ trưởng trong Chính phủ đều phủ nhận.

Người biểu tình tràn xuống đường tại khu vực Bangla Motor ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 4/8 (Reuters)

Trong ngày Chủ nhật 4/8, những người biểu tình đã chặn các tuyến đường giao thông chính của đất nước và phát động một phong trào bất hợp tác để gây sức ép đòi chính phủ từ chức. Các đồn cảnh sát và văn phòng của Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, có sự tham dự của các chỉ huy quân đội, cảnh sát và các cơ quan khác, Thủ tướng Hasina cáo buộc những kẻ đang thực hiện bạo lực không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố đang tìm cách gây bất ổn cho đất nước.

“Tôi kêu gọi người dân của chúng ta hãy đàn áp những kẻ khủng bố này bằng những biện pháp mạnh”. Bà Hasina nói. Các nhà mạng viễn thông tại nước này tiếp tục được yêu cầu ngắt toàn bộ sóng 4G, chỉ cho phát sóng điện thoại 2G cho tới khi nào có thông báo mới.

Tình hình an ninh phức tạp tại Bangladesh buộc nước láng giềng Ấn Độ phải ra cảnh báo an ninh, thúc giục công dân nước này không nên tới Bangladesh cho tới khi nào tình hình lắng dịu.

Các cuộc biểu tình kèm theo bạo lực bùng phát trong tháng Bảy khiến ít nhất 150 người Bangladesh thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Biểu tình xuất phát từ các nhóm sinh viên xuống đường phản đối hạn ngạch việc làm trong các cơ quan nhà nước do Chính phủ đưa ra.

Các cuộc biểu tình chỉ tạm dừng lại sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh bãi bỏ hầu hết các hạn ngạch việc làm trong Chính phủ. Tuy nhiên, các nhóm sinh viên đã phát động các cuộc biểu tình mới vào tuần trước, đòi công lý cho gia đình những người thiệt mạng.

Tác giả: Phan Tùng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP