Vườn gấc mẹ được ghép theo kỹ thuật giâm cành non cho quả 100%. Ảnh: Như Thủy |
Ông Nguyễn Đức Thành, xã Tân Thắng cho biết: Trước đây chúng tôi cũng đã thâm canh cây gấc để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả, tuy nhiên do chưa chủ động được cây giống, tỷ lệ hạt giống gieo xuống mất 70% là đực dẫn đến thua lỗ.
Sau khi áp dụng kỹ thuật thâm canh cây gấc nhờ ghép cành non trên gốc cây mẹ theo phương pháp mới, 100% gốc gấc đều ra hoa kết quả, mỗi thế hệ gốc mẹ cho quả trong vòng từ 10 đến 20 năm.
Mỗi gốc Gấc Lai đen cho hơn 1 tấn quả, trọng lượng đạt từ 2-4 kg/quả. Ảnh: Như Thủy |
Sau khi trồng thử nghiệm 20 ha giống gấc lai đen tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho thấy giống gấc này phát triển tốt, cho quả sai, trọng lượng quả to và đặc biệt loại bỏ được hoàn toàn cây gấc đực.
Trung bình cứ 1 ha trồng gấc lai đen người dân cần bỏ ra chi phí 80 triệu cho việc dựng dàn, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, giống, phân mà có thể thu hoạch trong suốt thời gian 10 đến 15 năm mà không cần phải trồng lại.
"Theo tính toán của chúng tôi sau 1 năm trồng gấc vụ đầu tiên người dân thu hồi vốn và bắt đầu từ năm thứ 2 mỗi hec ta gấc cho lãi 70 triệu đồng" - Kỹ sư Nguyễn Đình Thi – Chủ nhiệm dự án nhân giống gấc lai đen bằng phương pháp giâm cành non khẳng định.
Người dân xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) chăm sóc vườn gấc. Ảnh: Như Thủy |
Thời gian tới, huyện Quỳnh Lưu dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất giống đại trà, quy hoạch vùng nguyên liệu gấc với khoảng 100 héc ta để đưa vào sản xuất gấc nguyên liệu.
Tác giả: Như Thủy
Nguồn tin: Báo Nghệ An