Giới trẻ

Gác bút nghiên ra bảo vệ Trường Sa

Trong số những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa của VN), Đỗ Thành Danh (20 tuổi, TP.HCM) là người khá đặc biệt, ra đảo khi đang học năm nhất đại học.

Danh (giữa) đang phụ chuẩn bị bữa ăn ở đơn vị

Nhà Danh nằm trên con đường nhỏ, ngoằn ngoèo ở Q.4, TP.HCM. Từ nhỏ Danh đã vất vả vì ba bị bệnh kéo dài. Năm Danh học lớp 5 thì ba mất. Một mình mẹ với gánh hủ tiếu nuôi 2 anh em ăn học. Danh kể, lý do chọn học ngành điều dưỡng là để có điều kiện chăm sóc người thân và không muốn ai trong nhà bị bệnh như ba. Danh học rất giỏi ngay từ nhỏ. Năm 2015, Danh thi đậu vào Đại học Nguyễn Tất Thành. Nhưng khi đang học năm nhất, được gọi nghĩa vụ quân sự, Danh bảo lưu kết quả để vào bộ đội hoàn thành nghĩa vụ tuổi trẻ với đất nước.

Mẹ của Danh vui mừng khi thấy con trai (qua ảnh PV Thanh Niên chụp) ở đảo khỏe mạnh

Không ngần ngại xin ra đảo

Kể về kỷ niệm vui khiến mình trở thành chiến sĩ hải quân, Danh cho hay ngày hội trại tòng quân ở phường, do bận việc nên tới chậm. Khi tới nơi, ở phường chỉ còn hai ba lô: một dành cho lính đỏ (lục quân) và cái còn lại dành lính hải quân mà Danh và một bạn nữa phải lựa chọn. Cuối cùng bốc thăm, Danh bốc trúng ba lô lính hải quân. Sau 6 tháng huấn luyện ở Lữ đoàn 146 đóng ở Cam Ranh (Khánh Hòa), một lần nữa Danh đứng giữa sự lựa chọn: ở lại bờ hoặc ra Trường Sa canh giữ đảo. Lần này Danh không ngần ngại xin ra đảo với lý do: Trường Sa là quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà ai trong cuộc đời cũng muốn ra, còn mình có cơ hội thì không thể bỏ lỡ. Danh được đơn vị phân công ra đảo Nam Yết.

"Dù khi lựa chọn em kiên quyết lắm nhưng trước ngày lên đường lại thấy lo lắng vì sợ không biết mình có vượt qua được điều kiện vất vả, gian khổ ở đây hay không. Nhưng khi ra đảo lại thấy không giống suy nghĩ của mình, ở đây có đầy đủ nhà cửa với cây cối xanh mát quanh năm", Danh cười vang khi kể lại những ngày đầu đặt chân lên đảo.

Đến nay Danh đã có 6 tháng quân ngũ ở đảo Nam Yết. Môi trường quân đội đã rèn luyện Danh trở thành con người khác. Từ chỗ hầu như không biết gì, đến nay Danh đã làm được mọi thứ như: quét sân, cuốc đất trồng rau, chăm sóc vườn tược, thậm chí có thể nấu cơm cho phân đội. Ở Trường Sa, những ngày theo đồng đội đi bắt cá tăng gia vui nhất là khi Danh bắt gặp những loại cá, san hô đẹp như mơ mà chỉ ở biển Trường Sa mới có được. Rồi những đêm trực đi tuần tra, Danh được chứng kiến trên bầu trời sao lung linh, huyền ảo cộng với tiếng sóng biển vỗ về. Tự nhận được thừa hưởng gien nghệ thuật của mẹ, Danh cùng đồng đội thành lập nhóm ca nam biểu diễn những dịp lễ ở đơn vị và những bản nhạc đầu tay, bài thơ tặng mẹ được Danh viết vội trong những đêm đi tuần tra canh gác. Danh khẳng định: "Môi trường, cuộc sống ở Trường Sa đã rèn giũa để mình có thể thích ứng với mọi môi trường sống dù là khắc nghiệt".

"Nhưng điều quý giá nhất ở đây vẫn là tình đồng đội vì mọi người rất yêu thương nhau. Mấy anh thấy mình hơi nhỏ con, lại là dân Sài Gòn nên thường làm giúp việc nặng. Nhớ nhất là anh Phong quê Bình Định trước khi vào bờ đã siết vai em thật chặt và nói, nếu đơn vị cho phép anh sẽ ở lại Nam Yết thêm 6 tháng để cùng em vào đất liền", Danh tâm sự.

Nói về dự tính tương lai, Danh cho biết sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ hoàn thành chương trình đại học rồi đi làm để phụ giúp mẹ. Câu chuyện tương lai cũng lại trở về những năm tháng đáng nhớ của Danh ở Trường Sa. Mới ngày nào còn ngỡ ngàng với mọi thứ trên đảo, thế mà giờ đây nghĩ đến việc chia tay Nam Yết - Trường Sa là điều không hề dễ dàng với Danh, bởi nơi đây đã lưu dấu những tháng năm tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời mình.

“Đất nước mình đẹp lắm mẹ ơi”

Danh vẫn mong ước là mẹ sẽ thấy ảnh của mình ở đảo Nam Yết. Trước khi rời đảo Nam Yết, chúng tôi chụp cho Danh một bộ ảnh để gửi cho mẹ Danh ở đất liền. Thấy hình con trai mạnh khỏe sau nhiều ngày xa cách, bà Hứa Thị Lan vui như tết. Bà kể, khi Danh báo sẽ đi đảo, ban đầu bà không đồng ý vì sợ con trai ra đó không chịu nổi sóng gió.

“Tuy nhiên, Danh vẫn bảo lưu quyết định ra Trường Sa với mục đích mở mang kiến thức, ra đó để biết đất nước mình rộng lớn thế nào. Khi tàu trên đường ra Trường Sa, Danh điện cho tôi nói như reo rằng đất nước mình đẹp lắm mẹ ơi. Bây giờ mới thấy lựa chọn của con là chính xác. Tôi vẫn ước dịp nào đó được ra Trường Sa thăm con”, bà Lan tâm sự.

Tác giả: TRUNG HIẾU

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP