Thể thao

Gabor Kiraly: Lão dị nhân ở Euro 2016

Trong chiến thắng bất ngờ của Hungary trước Áo, có niềm vui riêng của một nhân vật đặc biệt: Gabor Kiraly - thủ môn đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ lớn tuổi nhất từng ra sân ở một vòng chung kết Euro.

Ra sân khi đã 40 tuổi và 75 ngày, Kiraly không chỉ là "trưởng lão" của đại hội lần này mà còn là người lớn tuổi nhất trong lịch sử các vòng chung kết Euro. Và hãy xem Kiraly đã làm gì trước đội tuyển Áo: anh thành công trong 100% những pha không chiến, có 23 đường chuyền chính xác, ba lần cứu thua ấn tượng và giữ trắng lưới. Trong đó, đáng kể nhất là tình huống phản xạ để cản pha pha dứt điểm của Zlatko Junuzovic mười phút trước khi hết hiệp một.

HLV Bernd Storck của Hungary nói: "Nói chuyện già trẻ ở đây làm gì. Gabor được chọn vì cậu ấy quá giỏi, vì cậu ấy vẫn là một trong những thủ môn hay nhất thế giới hiện nay".

Hơn 40 tuổi, nhưng Kiraly vẫn còn nguyên sự linh hoạt.

Kiraly vốn đã đặc biệt từ khi còn trẻ. Mười tám năm trước, anh có lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia và đối thủ hôm ấy chính là Áo. Pha chạm bóng đầu tiên của chàng trai 22 tuổi ấy là khi anh cản phá thành công quả phạt đền của đối thủ. Người ta vẫn còn giữ lại đoạn video ngày ấy, trong đó Kiraly rời sân và nước mắt lưng tròng vì quá sung sướng. "Thật tuyệt vời khi nghe các CĐV hô vang tên mình".

Hungary mất đến 18 năm kể từ màn ra mắt của Kiraly để lọt vào vòng chung kết một giải đấu lớn. Và trong quãng thời gian ấy, Kiraly cũng chẳng rời khỏi khung thành của đội tuyển quê hương. Trong những cầu thủ ra sân trận đấu với Áo kể trên, chỉ còn mỗi mình Kiraly ở lại. Anh thi đấu xuyên ba thập niên và hai thế kỷ. Có những thiếu niên ngày nào chơi trò chơi FIFA 1998 đã thấy cái tên Kiraly. Giờ họ lớn lên, đi làm, lập gia đình, có con và Kiraly thì vẫn ở đó. Nhiều người hỏi liệu đây có phải là mùa giải cuối cùng chưa, Kiraly nói: "Đừng nói gở, tôi còn chưa dự World Cup đấy".

Kiraly đã đi một chặng đường dài và anh chưa hề muốn dừng lại. Chặng đường ấy khởi đầu ở Szombathely, nơi anh sinh ra vào ngày Cá tháng Tư của năm 1976. Bố anh vốn là tiền đạo của CLB địa phương Haladas. Đấy cũng là nơi mà Kiraly khởi nghiệp. Bố mẹ bảo Kiraly rất ngoan, nhưng năm 19 tuổi anh bị treo giò mười trận vì ném bóng vào mặt trọng tài sau một trận thua.

Năm 1997, Kiraly rời Hungary sang Đức để đầu quân cho Hertha Berlin. Cái tên Kiraly lần đầu tiên được biết đến rộng rãi là khi anh cùng CLB này vào vòng hai Champions League vài năm sau đó. Sự nghiệp của Kiraly còn có thêm những chặng dừng chân ở Crystal Palace, West Ham, Aston Villa, Burnley, Bayer Leverkusen và 1860 Munich trước khi anh trở lại CLB cũ Haladas.

Kiraly là một người châu Âu, nhưng anh lại có... máu điên của những thủ môn Nam Mỹ. Anh thường xuyên nhìn sang một bên rồi ném quả bóng theo bên ngược lại để lừa tiền đạo đối thủ. Khi còn ở Berlin, anh thường xuyên diễn trò ném quả bóng thật mạnh vào... xà ngang đội nhà để nó nảy ra và khởi đầu một pha bóng mới. HLV Hertha cảnh báo anh đừng làm trò ấy trong trận đấu, nhưng những CĐV đến xem Berlin tập rất thích thú trước trò mạo hiểm của Kiraly.

Trong trận đấu cuối cùng của Bundesliga với Hamburg, khi ấy Hertha Berlin đã chắc chắn giành vị trí thứ ba, các CĐV đã hô lên: "Ném vào xà ngang đi" sau khi Kiraly giả vờ như sẽ làm việc ấy. Khi Kiraly tóm một quả tạt, cả sân im lặng. Anh quay về băng ghế huấn luyện, nở một nụ cười ranh mãnh rồi ném quả bóng lên bình thường.

Sự xuất sắc của Kiraly góp phần giúp Hungary giành chiến thắng bất ngờ ở trận ra quân Euro năm nay.

Nói đến Kiraly, không thể nói đến bộ trang phục thi đấu độc nhất vô nhị của anh. Anh luôn ra sân với áo tay dài và quần dài, thế nên mới có biệt danh là "thủ môn pyjama". Áo tay dài thì nhiều thủ môn vẫn mặc, nhưng quần dài thì vốn hiếm thấy. Đã vậy Kiraly còn luôn mặc trong suốt hai thập kỷ thi đấu chuyên nghiệp. Lý do của anh rất đơn giản: thứ nhất là đỡ... lạnh, thứ nhì là đỡ... đau trong những pha tiếp đất. "Mặc đẹp làm gì, tôi có phải người mẫu đâu", Kiraly nói như vậy khi có người bảo bộ trang phục thi đấu của anh nhìn không đẹp một chút nào. "Tôi có thử mặc quần ngắn thời gian ở Đức, nhưng nó không hợp. Cuối cùng, kết quả quan trọng hơn là diện mạo".

Thoạt đầu, Kiraly chỉ mặc chiếc quần dài màu đen. Nhưng rồi một trận đấu nọ, không còn chiếc quần đen sạch nào nữa nên anh đành mặc chiếc quần màu xám. Đội bóng chiến thắng, anh mặc lại cái quần cũ ấy và bất bại suốt tám trận đấu sau đó. Thế là anh chỉ mặc quần xám dài từ sau đó. Chiếc quần đầu tiên may mắn ấy, Kiraly đang treo ở nhà. Anh đã mặc nó đến hơn 100 lần, đến mức nó sờn và đầy những vết rách.

Kiraly chạy hàng chục mét lên ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội trong trận đấu hôm qua.

Đấy không phải là thói quen mê tín duy nhất của Kiraly. Bởi bên trong chiếc áo đấu, Kiraly luôn mặc một chiếc áo thun lót màu đen có hình... con hổ. Anh luôn phải là người đầu tiên rời khỏi xe buýt, luôn đeo ống đồng bên trái trước và nghe bản It’s My Life trước mỗi trận đấu. Nghĩa là đến nay, Kiraly đã nghe sơ sơ... 500 lần bài rock nổi tiếng của Bon Jovi.

Anh bảo mình đã cố đổi thói quen, nhưng mỗi lần đổi là đều cảm thấy khó chịu. Nhưng có lẽ, giờ này anh cũng chẳng phải thay đổi làm gì nữa. Thói quen ấy đã giúp anh đi vào lịch sử với tư cách thủ môn lớn tuổi nhất dự vòng chung kết Euro. Đã vậy anh lại còn chơi hay. Và hình ảnh của một thủ môn mặc bộ đồ pyjama chạy mấy chục mét lên ăn mừng pha ghi bàn của các đồng đội sẽ còn in trong tâm trí của nhiều người.

Đôi khi không cần đẹp để gây ấn tượng, chỉ cần... độc là được.


Tác giả bài viết: Hoài Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP