Kinh tế

FPT có tổng giám đốc mới

Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa sẽ kế nhiệm ông Bùi Quang Ngọc ở vị trí tổng giám đốc FPT từ ngày 29/3.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT (mã CK: FPT) vừa thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa - Phó tổng giám đốc FPT vào vị trí tổng giám đốc, thay ông Bùi Quang Ngọc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/3.

Ông Nguyễn Văn Khoa sẽ giữ chức CEO của FPT từ ngày 29/3.

Ông Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1977, là một trong những lãnh đạo trẻ của FPT. Ông tham gia vào FPT từ năm 1997 với vai trò đầu tiên là nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Năm 2012, khi mới 35 tuổi, ông Khoa được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom, lãnh đạo đội ngũ 14.000 người.

CEO của FPT Telecom đã dẫn dắt đơn vị giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, liên tục thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và phương pháp quản trị mới. Trong thời gian ông Khoa giữ chức CEO, FPT Telecom đã triển khai thành công tuyến đường trục Bắc – Nam 1.800 km, chuyển đổi toàn bộ hạ tầng cáp đồng sang cáp quang trong 1 năm; đặt nền móng cho sự phát triển của Truyền hình FPT khi quyết định lựa chọn kinh doanh IPTV (Truyền hình qua Internet) thay cho Truyền hình cáp.

Từ năm 2012 đến năm 2017, doanh thu FPT Telecom tăng 2,6 lần với lợi nhuận tăng 1,6 lần, nhân sự tăng gần gấp đôi và có tỷ lệ đóng góp cao nhất trong lợi nhuận tập đoàn (2012-2016). Tháng 3/2018, ông Khoa được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc FPT.

Ông Bùi Quang Ngọc, sinh năm 1956, được đánh giá là một trong những "công thần" của FPT khi tham gia vào tập đoàn từ ngày đầu thành lập. Ông Ngọc là giảng viên tại Trường đại học Bách Khoa Hà Nội trước khi tham gia vào FPT năm 1988 với vai trò phó chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm phó tổng giám đốc. Từ năm 2013, ông Ngọc được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc.

Ông Bùi Quang Ngọc vẫn là Phó chủ tịch HĐQT FPT sau khi không còn là CEO.

Trong hai nhiệm kỳ giữ vị trí tổng Giám đốc FPT, ông Bùi Quang Ngọc duy trì được tốc độ tăng trưởng hai con số cho tập đoàn. Doanh thu của FPT năm 2013 đạt hơn 27.100 tỷ đồng đã tăng lên gần 43.300 tỷ đồng năm 2017, với lợi nhuận ròng tăng gần gấp đôi. Năm 2018 là bước ngoặt khi FPT giảm sở hữu tại hai mảng bán buôn - bán lẻ, trở về "đúng nghĩa" của một tập đoàn về công nghệ.

Sau khi rời vị trí CEO, ông sẽ tiếp tục giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng quản trị FPT và tham gia một số dự án lớn của tập đoàn.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP