Face ID cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng mở khóa thiết bị mà không cần sự trợ giúp của một bên thứ 3. |
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới đây đã sử dụng tính năng Face ID để mở khóa thiết bị của Grant Michalski, một người đàn ông sống tại Ohio, bị buộc tội tàng trữ và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em. Đây là lần đầu tiên FBI sử dụng một tính năng trên chính iPhone để giúp họ mở khóa thành công.
Sau khi mở khóa điện thoại, các đặc vụ của FBI đã phát hiện ra nhiều cuộc trò chuyện của nghi phạm trên ứng dụng Kik có nội dung lạm dụng trẻ vị thành niên. Michalski trước đó đã nói chuyện với một nhân viên giấu mặt về ứng dụng, và đây chính là lý do khiến bí mật của y bị lộ.
Mặc dù đã mở khóa điện thoại của Michalski, nhưng FBI không thể thu thập thêm các thông tin về hình ảnh, video, do một tính năng của bản cập nhật iOS mới. Cụ thể, tính năng này sẽ yêu cầu người dùng nhập mật mã để chuyển dữ liệu vào máy tính cá nhân, nếu nó bị khóa trong một giờ trở lên.
Theo luật tại Mỹ, các nghi phạm có quyền giữ mật khẩu điện thoại cho tới khi hầu tòa và nhận phán quyết. Tuy nhiên lại không có quy tắc nào đề cập tới dữ liệu sinh trắc học, bao gồm khuôn mặt và vân tay.
Do đó, FBI cũng như các cơ quan lập pháp có thể yêu cầu bất cứ ai mở khóa điện thoại của họ bằng cách sử dụng dữ liệu sinh trắc học, dù chưa có được sự chấp thuận từ chủ nhân hay tòa án tối cao.
Tháng 2/2016, Apple từng trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận kéo dài sau khi từ chối lời đề nghị của chính phủ Mỹ giúp mở khóa chiếc iPhone đã mã hóa thu được từ một kẻ khủng bố.
Năm 2018, công ty thậm chí đã xây dựng hẳn một tính năng cho phép người dùng vô hiệu hóa tạm thời Touch ID bằng cách nhấn nút tăng âm lượng năm lần, nhằm giúp họ bảo mật thông tin một cách tối đa trên điện thoại. Tuy nhiên vẫn chưa có cách nào ngăn chặn được việc "ép" chủ nhân phải mở khóa thiết bị thông qua Face ID.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí