Mà giải đấu không dành cho lối đá tấn công cũng đồng nghĩa với việc nhiều ngôi sao tấn công không có đất dụng võ trên đất Pháp. Số này hiện là một danh sách dài lê thê, gồm toàn các tên tuổi nổi tiếng bậc nhất làng túc cầu thế giới như Lewandowski (Ba Lan), Ibrahimovic (Thuỵ Điển), Paul Pogba, Anthony Martial (Pháp), Arda Turan (Thổ Nhĩ Kỳ), Thomas Muller (Đức), Mandzukic (Croatia), Eden Hazard (Bỉ)...
Muller (13) là một trong những ngôi sao gây thất vọng nhất Euro 2016
2 nhân vật gây thất vọng nhất trong số những người vừa nêu là Muller và Ibrahimovic. Đội trưởng đội tuyển Thuỵ Điển ghi đến 50 bàn cho CLB PSG trong mùa giải vừa qua. Anh đến Pháp với kỳ vọng lớn là toả sáng ở giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp. Nhưng kết quả là Ibrahimovic chẳng ghi bàn nào tại giải vô địch châu Âu.
Muller cũng không ghi bàn nào, dù cũng được kỳ vọng rất cao. Vua phá lưới của VCK World Cup 2010 kỳ lạ thay hoàn toàn vô duyên trước mọi pha dứt điểm. Giống như Ibrahimovic, phong độ kém cỏi của Muller trên đất Pháp là điều không thể lý giải nổi về mặt chuyên môn, bởi cả thế giới đều biết rằng Muller không kém đến mức không biết cách dứt điểm, nhưng anh vẫn cứ dứt điểm hỏng hết lần này đến lần khác.
Lewandowski có 1 bàn thắng tại VCK Euro, nhưng chừng đó là chưa đủ đối với 1 trung phong ở đẳng cấp hàng đầu thế giới như anh. Vả lại, tiền đạo của đội tuyển Ba Lan toả sáng quá muộn. Mãi đến vòng tứ kết, Lewandowski mới “nổ súng”, và đó cũng là trận đấu cuối cùng anh còn hiện diện ở giải vô địch châu Âu năm nay.
Eden Hazard (Bỉ) cũng không đáp ứng được sự kỳ vọng
Có những cầu thủ khác, về thành tích tập thể thì họ thành công, nhưng xét về mặt cá nhân thì họ lại thất bại. Ví như Paul Pogba của đội tuyển Pháp. Nếu Pogba thực sự hay trong vai tiền vệ tổ chức của đội tuyển áo Lam, Pháp có lẽ đã làm hơn được thành tích Á quân.
Về mặt này thì ngay đến nhà tân vô địch Euro C.Ronaldo cũng gây tranh cãi. Trong suốt 7 trận đã qua của Bồ Đào Nha, Ronaldo chỉ thực sự chơi hay trong 2 trận, đó là các trận gặp Hungary cuối vòng bảng (ghi 2 bàn) và trận bán kết với Xứ Wales (ghi bàn mở tỷ số). Các trận đấu khác, Ronaldo chơi cực tệ: Bế tắc khi đá với Iceland, đá hỏng phạt đền khi gặp Áo, sút hụt 2 lần lúc đối diện với thủ môn ở trận gặp Ba Lan.
Riêng trận chung kết, Ronaldo hầu như không đóng góp gì cho Bồ Đào Nha, vì anh buộc phải rời sân từ rất sớm, trong khi người thế vai của anh ở hiệp phụ là Eder lại ghi bàn.
Nhưng dù đá hay hoặc dở, nhiều ngôi sao, trong đó có Ronaldo vẫn cứ lên giá vùn vụt
Một kỳ Euro mà các đội bóng chơi quá nặng về phòng ngự, với nhiều đội ra sân mà còn không chủ trương đá để chiến thắng (Bồ Đào Nha tiếp tục là ví dụ sinh động nhất về mặt này), thì chuyện các ngôi sao tấn công lu mờ cũng là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, lu mờ tại Euro không có nghĩa các ngôi sao nói trên sẽ xuống giá. Ngược lại nhiều người còn tăng giá vù vù là đằng khác: Ibrahimovic vẫn nhận lương cao đến chóng mặt khi từ PSG chuyển sang M.U, Pogba đang đứng trước khả năng trở thành cầu thủ cao giá nhất thế giới nếu rời Juventus, hoặc Ronaldo vẫn là ông chủ của phòng thay đồ tại Real Madrid, cho dù anh đá dở hay đá hay tại Euro.
Bóng đá bây giờ đã khác xưa, công tác tuyển trạch tài năng của các CLB lớn cũng không như trước: Những chuyên gia săn lùng tài năng của nhiều đội bóng giờ không nhìn vào một giải đấu mà định giá các ngôi sao, cho dù giải đấu đấy có là Euro đi chăng nữa!
Tác giả bài viết: Kim Điền