Kinh tế

EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu, nhưng tiêu chuẩn khác vẫn siết chặt

EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu, nhưng vẫn sẽ siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu khác, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ canh tác sạch, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới.

EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu, nhưng vẫn siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc cắt giảm thuốc trừ sâu, theo xác nhận từ Ủy viên Nông nghiệp EU, ông Christophe Hansen.

Điều này đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược nông nghiệp của khối, cũng như sự điều chỉnh trong chính sách thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal).

Trước đó, mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030 từng là nền tảng của chính sách nông nghiệp bền vững của EU. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị loại bỏ vô thời hạn sau nhiều tranh cãi và phản đối mạnh mẽ từ nông dân cũng như các đảng cánh hữu.

EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nông sản, thực phẩm Việt Nam phải tiếp tục đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Kế hoạch Quy định Sử dụng Bền vững Thuốc trừ sâu (SUR) được đề xuất vào tháng 6/2022, đặt ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cấm hoàn toàn thuốc trừ sâu trong các khu vực nhạy cảm như công viên đô thị và khu bảo tồn Natura 2000.

Song kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ nông dân, dẫn đến việc bị rút lại vào năm 2023.

Ủy viên Nông nghiệp EU xác nhận, các sáng kiến trong tương lai sẽ tập trung vào thương mại và đổi mới công nghệ, thay vì áp đặt các mục tiêu bắt buộc về giảm thuốc trừ sâu.

EU sẽ ưu tiên nâng cao tiêu chuẩn thương mại và đảm bảo thực phẩm nhập khẩu tuân thủ quy định về thuốc trừ sâu của khối. Một trong những sáng kiến quan trọng là Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act), nhằm đẩy nhanh việc phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.

Những nỗ lực này nhằm phát triển các giải pháp không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

EU dự kiến đề xuất các biện pháp đẩy nhanh quy trình phê duyệt thuốc trừ sâu sinh học (biopesticides), một phần trong kế hoạch đơn giản hóa quy định. Đây là một trong số ít nội dung trong chính sách thuốc trừ sâu ban đầu nhận được sự đồng thuận rộng rãi.

Việc thay đổi chiến lược phản ánh Tầm nhìn mới về Nông nghiệp và Thực phẩm của EU, đặt trọng tâm vào việc thu hút thế hệ trẻ vào ngành nông nghiệp thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp hạn chế môi trường.

Trước sự thay đổi chính sách của EU, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng, việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.

Mặc dù vậy, EU vẫn sẽ siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ canh tác sạch và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới của EU để duy trì và mở rộng thị phần tại khu vực này.

Cuối năm ngoái, EC đã ban hành Quy định số 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các thị trường bên ngoài vào Liên minh châu Âu theo quy định 2019/1793 và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cụ thể, EC quyết định tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%...

Bộ Công thương lưu ý tới các doanh nghiệp, hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật liên tục được sửa đổi, bổ sung và minh bạch hóa nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường tại châu Âu.

Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp, kiểm soát mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất, phân phối và xuất khẩu. Do đó, để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tác giả: Thế Hải

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP