Đừng quan trọng việc người ta đi con đường nào, mỗi người đều có cách của riêng mình. Chỉ cần nhìn xem họ có tới được đích hay không. Và quan trọng hơn, tại sao người này lại phải giống người khác, cuộc sống luôn cần sự khác biệt, chính sự khác biệt đó là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Bạn bè mình, cái lứa học trò gần 100 đứa khóa 7 của trường Thực nghiệm, giờ đều thành đạt, dù là cách này hay cách khác. Một số lượng không nhỏ đang là Phó Giáo sư hoặc Tiến sĩ tại Úc, Anh, Nhật, Mỹ và cả trong nước. Các bạn tham gia ngành ngoại giao, bác sĩ, báo chí, kinh doanh, hay thậm chí cả đầu bếp cũng không thiếu. Ai cũng sống có ích và yêu cuộc sống mà họ đang có.
Nhưng cũng phải cảm ơn vụ lùm xùm này, nhờ nó mà trong lúc đang bận rộn với cơm, áo, gạo, tiền, mình lại có dịp được bồi hồi với bao kỷ niệm thời còn là học sinh trường Thực nghiệm.
Nếu có ai từng đọc cuốn truyện “Tottochan, cô bé bên cửa sổ”, sẽ hiểu phần nào cách dạy, cách học và quan trọng nhất là cách đối xử giữa thầy và trò trong một ngôi trường “khác thường”, mang đầy tính nhân văn. Và bọn mình đã may mắn được học, được chơi và được cùng nhau lớn lên như vậy.
Các học sinh lớp 1A khóa 7 trường Thực nghiệm (Hà Nội). |
Nhớ cái thời cả nước chả có trường cấp 1 nào học bán trú thì bọn mình đã ngày ngày xách cặp lồng tới trường, trưa tíu tít rủ nhau lên giường đi ngủ. Có hôm mình tỉnh dậy, chả có ai bên cạnh, nhìn lên đã thấy cả lớp đang ngồi học, xấu hổ quá lồm cồm bò dậy ra bàn lấy sách vở nhưng cô giáo cũng chẳng khiển trách.
Từ lớp 1, sau giờ nghỉ giải lao và ổn định chỗ ngồi ở mỗi tiết học, bạn quản ca sẽ bắt nhịp cho cả lớp hát các bài hát trong lúc chờ cô giáo. Mình nhớ có hôm cô giáo nghỉ tiết, thế là cả lớp hát hết bài này tới bài khác, hát hăng say, mà toàn bài nhạc đỏ như kiểu: Tiến về Sài Gòn, Hò dô ta nào, Qua miền Tây Bắc... mình cũng vì thế mà thuộc không biết bao nhiêu bài hát.
Trong khi các bạn ở trường thường học vội học vàng để về nhà thì trường mình lại dư thời gian tới mức ngày nào cũng có một tiết học mà mình rất thích, đó tiết Tự học. Giờ đó các bạn có thể thoải mái mang bất cứ môn học nào mà mình thích nhất ra để học. Mình nhớ cứ tới giờ Tự học là mình lại lấy sách trong tủ Thư viện của lớp ra ngồi đọc. Có lẽ thói quen đọc được hình thành từ hồi đó.
Trong giờ học của học sinh khóa 7 trường Thực nghiệm (Hà Nội). |
Ở các trường thường, các bạn vẫn học vẹt bảng cửu chương thì ở trường Thực nghiệm, bọn mình đã được học các khái niệm phần tử và tập hợp. Và thông qua phần tử và tập hợp để lý giải tại sao 2+2 lại thành 4 và tại sao 2x2 thành 4. Mình nhớ thời đó đồ chơi và đồ dùng học tập còn hiếm hoi thì bọn mình đã được sử dụng các miếng nhựa giống như miếng lego (mình còn nhớ các miếng đó có mầu xanh da trời, được Liên Xô tài trợ) để học Toán, dễ hiểu vô cùng.
Các môn học khác cũng đặc biệt không kém. Tiếng Nga có rất nhiều tiết một tuần và học từ lớp 1. Văn thì luôn học bằng giáo trình, giấy đen và khổ A4. Lớp 5 bọn mình đã được học truyện Kiều, Lục Vân Tiên, sử thi các dân tộc… Làm quen với thí nghiệm sinh học từ thời lớp 3, suốt ngày rủ nhau đi cạo địa y ở gốc cây xà cừ mang tới trường soi kính hiển vi xem cấu tạo của tế bào... Và bọn mình đã học với sự thích thú say mê.
Hồi đó học sinh trường mình rất hay được cô giáo cho vào Sứ quán Liên Xô giao lưu với các bạn thiếu nhi con cán bộ sứ quán và mỗi lần về, bạn nào cũng có quà, toàn những món quà mà trẻ con thời đó có mơ cũng chẳng có. Mình nhớ hồi lớp 3, có đợt lớp mình được chọn 10 bạn vào chơi sứ quán, mình và Đắc Đạt là hai bạn cô cân nhắc cho suất cuối. Thế rồi, cuối cùng Đạt được đi và mình đã buồn não nề, tự hứa cố gắng để đợt sau sẽ đến lượt mình.
Lớp học sinh khóa 7 trường Thực nghiệm (Hà Nội) chụp ảnh ở tượng đài Lê Nin. |
Và kỷ niệm sâu sắc nhất về thời gian đó, giờ vẫn còn hiện về trong những giấc mơ của mình, có lẽ là hình ảnh của mẹ mình mỗi buổi sáng mùa đông, trong cái rét cắt da cắt thịt, vẫn lọ mọ dậy từ lúc trời còn chưa rạng, nhóm bếp dầu để chuẩn bị cho con gái một cặp lồng cơm có đủ thịt và rau mang đến trường. Buổi trưa bọn mình thường hay xem bạn bè được bố mẹ chuẩn bị cho món gì, có ngon không, nhiều bạn lười ăn cũng thường hay nhờ nhau ăn giúp. Mình vẫn còn nhớ bạn Thanh Hương rất hay được bố rang mì tôm vụn cho giòn để làm món tráng miệng, hay bạn Tú Anh lại thường mang cà chua để ăn sau bữa trưa, và mình cũng được ăn ké, rất vui và ấm áp.
Giờ ăn, mỗi bạn một cặp lồng cơm mang từ nhà. |
Thế rồi, tới một ngày đầu năm lớp 7, bố mẹ báo cho mình một tin “sét đánh” về việc phải đi nhiệm kỳ 3 năm, mang theo em gái, còn mình sẽ phải chuyển trường, vào Sài Gòn sống với dì. Quỳnh Mai và Tú Anh đã bàn với nhau rằng mình sẽ không phải đi đâu cả mà tới sống ở nhà các bạn ấy, bố mẹ các bạn sẽ nuôi. Mình đã về nói với bố mẹ và lãnh một trận mắng xối xả.
Ngày tiễn mình đi Sài Gòn, ở sân Ga Hàng Cỏ, hơn chục đứa con gái ôm nhau khóc như mưa, khóc rất to, thỉnh thoảng còn ngước lên nhìn nhau nức nở. Báo hại, khách ở các toa khác cũng chạy lại vây kín xem có chuyện gì. Khi hiểu ra vấn đề, ai cũng ngạc nhiên tại sao bọn nó lại thương nhau đến thế. Rồi cả một thời gian dài sau đó, các bạn vẫn viết thư, vẫn báo tin, bọn tớ tới lớp, thấy bàn Liên Bình trống, thế là lại gục xuống bàn, khóc tiếp.
Những kỷ niệm đó, mãi mãi, mình nâng niu và mang theo trong hành trang cuộc đời.
Và vẫn luôn nhớ rằng, mình thật may mắn vì được là học sinh trường Thực nghiệm.
Tác giả: Phạm Liên Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí