Cùng với con đường biển Nha Trang - Quy Nhơn còn có 4 tuyến đường khác nằm ở Trung Quốc, Pakistan, Nhật Bản, Uzbekistan.
Đường ven biển Nha Trang - Quy Nhơn (Việt Nam)
Đối với dân phượt Việt Nam thì không ai lạ gì tuyến đường tuyệt đẹp này, với những đoạn một bên là núi non ngoạn mục, một bên là đại dương bao la. Nó không những là một trong những tuyến đường ngắm cảnh đẹp nhất Việt Nam, mà còn được nhiều blogger du lịch quốc tế bình chọn là một trong 5 tuyến đường đẹp nhất châu Á. Cung đường biển ngang qua 3 tỉnh này kích thích máu phiêu lưu của dân mê dịch chuyển bởi đoạn đèo Cả dài nhất nước hay Kỳ Co, Eo Gió, Cù Lao Xanh... đẹp quyến rũ.
Cao tốc Karakoram
Hoàn thành xây dựng năm 1979 và đưa vào sử dụng từ năm 1985, đây là tuyến cao tốc nằm ở độ cao nhất thế giới, dài 1.300 km nối giữa thành phố Hasan Abdal (Pakistan) và thành phố Kashgar (Tân Cương - Trung Quốc). Địa hình băng qua dãy Himalaya hùng vĩ khiến nó trở thành một trong những tuyến đường ngắm cảnh đẹp nhất trên thế giới.
Karakoram là một đoạn trong "con đường tơ lụa", nối liền Trung Quốc và các nước Tây Á, kèm với độ cao và điều kiện xây dựng khó khăn nên nó trở thành một công trình đặc biệt và được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Karakoram đi qua ba dãy núi lớn nhất: Himalaya, Karakoram và Hindu Kush. Đây có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới bạn có thể chiêm ngưỡng ngọn núi tuyết cao 8.000 m như Nanga Parbat từ cửa sổ xe ôtô.
Hokkaido (Nhật Bản)
Năm 2003, Hokkaido bắt đầu tập trung phát triển du lịch cảnh quang, đặc biệt là các tour lái xe ôtô quanh đảo hoặc đạp xe ngắm cảnh ven biển. Vì thế, các con đường, cảnh đồng quê ở đây được chú trọng. Mùa hè, thảm hoa đủ sắc màu đua nhau nở, dệt nên khung cảnh thật đẹp, kèm với không khí trong lành khiến du khách có cảm giác nhưng lạc vào thế giới thần tiên. Có nhiều tuyến đường cho bạn lựa chọn để ngắm đồng hoa lavender vào tháng 7, đồi núi xanh rì, mát mắt.
Con đường tơ lụa ngang qua Samarkand (Uzbekistan)
Là một trong những thành phố già nhất khu vực Trung Á, Samarkand là giao điểm quan trọng trong "con đường tơ lụa" từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, nó trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất Uzbekistan. Nếu đi theo cung đường này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng loạt công trình lịch sử xây từ rất lâu như các ngôi chợ mái vòm đặc trưng, cung điện, lăng tẩm, thánh đường lộng lẫy, uy nghi mang đậm kiến trúc Trung Á.
Đây là nơi giao nhau của nền văn hóa Á - Âu nên các phong tục, tập quán và tính ngưỡng khá đa dạng. Dù thời tiết ở đây không hề dễ chịu, mùa hè có khi lên đến 42 độ C, mùa đông thấp còn âm 22 độ C, nhưng vẫn là nơi thu hút du khách muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Năm 2001, con đường được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với tên "Samarkand - các giao lộ văn hóa".
Đường hầm xuyên núi ở Gouliang (Trung Quốc)
Làng đá Gouliang nằm trên đỉnh núi cao 1.752 m từng bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài do địa hình hiểm trở, có nguy cơ bị lãng quên cho đến năm 1972, họ quyết định đào một đường hầm xuyên núi để kết nối với mọi người.
Người dân dùng mìn phá đá, đục các cửa sổ để tiện vứt đất đá xuống vực, đồng thời lấy ánh sáng. Ròng rã trong 5 năm, họ hoàn thành đường hầm dài 1.250 m, cao 4 m, rộng 5m, vừa đủ cho một chiếc xe khách có thể đi lọt. Ngày nay, nó trở thành điểm du lịch hút khách và là một trong những công trình ngoạn mục nhất trên thế giới, khiến người yếu tim cảm thấy choáng ngợp khi đi qua đường hầm.
Tác giả: Vi Yến
Nguồn tin: ngoisao.net