Hoặc “nếu muốn biết giá trị của đồng tiền, bạn hãy thử hỏi mượn ai đó ít đồng bạc”. Rồi “tiền” và “bạc” luôn đi chung với nhau, thành “tiền bạc”, chẳng phải đó sao?
Thế nhưng, nhiều người bảo, thà là đàn bà vốn chịu tiếng tính toán ky bo đong đếm lèm nhèm chuyện tiền nong, chứ một khi đàn ông đã vướng vào phạm trù “tiền”, thì hoặc “mặc váy” hoặc đo lọ nước mắm, thật là kinh dị!
Tôi nhớ hồi bé, vẫn nghe dì tôi than thở rằng, ở nhà đợi chồng đưa tiền, ngửa tay ra cầm, thấy tủi nhục làm sao. Dì tôi “nâng quan điểm” quá chăng? Sau này, khi lớn hơn, tôi mới hiểu, dượng tôi đưa tiền cho vợ với thái độ trịch thượng, ban phát, kẻ cả, khiến người đàn bà ở nhà nội trợ cảm thấy tổn thương. Chưa kể, sau đấy, dượng thường tỏ ra mình đã làm tròn bổn phận rồi, chẳng cần quan tâm xem khoản lương ấy thiếu đủ thế nào. Dì tôi mà đả động tới chuyện chi dùng trong nhà, là dượng đùng đùng, với quan niệm, đã không làm ra tiền mà còn bày đặt tỏ vẻ… Dì tôi thường xuyên dạy ba cô con gái của mình rằng, phải gắng học, sau này đi làm, tự kiếm tiền làm chủ cuộc sống của mình, không được dựa dẫm chờ đợi vào đàn ông. Khổ lắm nghe chưa…
Tôi nhớ hồi bé, vẫn nghe dì tôi than thở rằng, ở nhà đợi chồng đưa tiền, ngửa tay ra cầm, thấy tủi nhục làm sao. Dì tôi “nâng quan điểm” quá chăng? Sau này, khi lớn hơn, tôi mới hiểu, dượng tôi đưa tiền cho vợ với thái độ trịch thượng, ban phát, kẻ cả, khiến người đàn bà ở nhà nội trợ cảm thấy tổn thương. Chưa kể, sau đấy, dượng thường tỏ ra mình đã làm tròn bổn phận rồi, chẳng cần quan tâm xem khoản lương ấy thiếu đủ thế nào. Dì tôi mà đả động tới chuyện chi dùng trong nhà, là dượng đùng đùng, với quan niệm, đã không làm ra tiền mà còn bày đặt tỏ vẻ… Dì tôi thường xuyên dạy ba cô con gái của mình rằng, phải gắng học, sau này đi làm, tự kiếm tiền làm chủ cuộc sống của mình, không được dựa dẫm chờ đợi vào đàn ông. Khổ lắm nghe chưa…
Ảnh minh họa
Dượng tôi, chắc cũng như một vài bậc đàn ông “cá biệt” khác, “thí” cho vợ chút đỉnh mà tưởng to như cái bánh xe, nghiễm nhiên xem là mình đã góp xong trách nhiệm với gia đình, khi cần thì vợ có nghĩa vụ đưa… tiền dành dụm để chồng lo việc lớn. Mẫu đàn ông như thế, thời nào cũng có, may mắn là không phải đâu đâu cũng gặp.
Tôi có anh bạn đồng nghiệp luôn thích chứng tỏ, thể hiện nhưng nổi tiếng bê bối về tiền nong. Anh chuyên “vay nóng” bạn bè người quen, với các lý do như chưa kịp lĩnh lương, có chuyện cần chi tiêu gấp, tháng này “khó quá bỏ qua đi”, lỡ cho người khác mượn hết tiền rồi nên cháy túi… Không nhiều lắm cho mỗi lần đột xuất ấy, nhưng riết thành quen tật, trong suy nghĩ của mọi người anh sở hữu thuộc tính “bạ đâu cũng mượn”. Hễ cơ quan có đám xá hùn hạp gì là có người biết ý, cười cười hỏi: "Sao, có cần đóng dùm, rồi ít bữa đưa lại hay không ông?".
Ai đấy thắc mắc sau lưng, là vợ anh ấy quản lý việc chi tiêu của chồng như thế nào, mà để anh luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau như thế? Chắc gặp phải chị vợ chẳng ra gì, khiến chồng mất mặt rồi… Nhưng cũng có người thẳng thừng phản biện rằng, chồng chứ có phải con đâu mà phải dạy cả cách xử lý tài chính cơ chứ! Đàn ông, ngay cả chuyện tiền nong của bản thân cũng không biết cân đối sao cho hợp lý, thì nói gì đến những việc khác!
Một câu chuyện khác, cũng liên quan tới đàn ông và tiền. Rằng anh A bồ bịch thân thiết với một cô, thường xuyên mở lời “em có sẵn tiền nhàn rỗi không, cho anh vay gấp vài “chai” xoay xở, đầu tuần anh trả lại ngay”. Cô này lập tức vui vẻ mở ví. Thế nhưng, cái “đầu tuần” kia mịt mùng bóng chim tăm cá. Chẳng lẽ lại nhắc, mà mình cũng đâu túng thiếu gì đến mức cần số tiền nhỏ ấy. Chỉ đến khi muốn vay sang khoản mới nhiều hơn, thì anh A mới hồ hởi trả nợ cũ. Kiểu như “gối đầu”.
Cao trào là cuối cùng anh A mượn cô bạn một khoản cũng kha khá để đầu tư gì đấy, với lời hứa hẹn thời điểm cụ thể sẽ thanh toán. Sau khi đã biến thành nợ quá hạn một thời gian dài và bị cô gái bấm bụng nhắc nhở, anh A đành dằn dỗi chuyển khoản trả lại cho khổ chủ. Người chủ nợ may mắn ấy hơi ngạc nhiên, vì khi cho vay là số tiền chẵn chòi, mà khi nhận lại, tin nhắn báo thành số rất lẻ, nhỏ hơn khoản cho vay chút đỉnh. Nghĩ mãi không ra, sau được chị bạn thân làm ngân hàng giải thích: do người chuyển đã chọn chế độ “phí người nhận trả”, nên nó mới thành như vậy. Vài ngàn đồng chẳng đáng gì, vấn đề là, muốn chọn mục ấy, phải chủ động bấm vào, chứ trên mạng, mặc định là phí do người chuyển trả…
Chị bạn thân ấy, sau khi biết tỏ tường câu chuyện, buông một lời khen rằng, đàn ông, đối đãi với bạn gái như thế thì quả thực… bần một cách đặc biệt, mẫu người này cần tránh xa cho nó lành. Không đáng bao nhiêu, nhưng khiến cho đàn bà thấy rõ, anh cực kỳ xảo quyệt và cơ hội, rất đáng đề phòng, cảnh giác. Sau này lấy nhau về, anh chắc còn tận dụng tiền bạc của vợ một cách kỹ lưỡng bài bản hơn. Hai người phụ nữ trầm trồ thêm, đàn ông phải… lưu manh một chút như thế, mới mau khá được. Họ khác đàn bà ở chỗ, rất lý trí và không biết ngại xấu hổ là gì!
Tôi thấy một cơ số các ông chồng bản chất đang xài tiền của vợ kiếm ra, nhưng mỗi chút mỗi khoe khoang. Rằng vừa đóng tiền học cho con hai khóa liền, mấy chục “củ” chứ ít ỏi gì. Rằng vừa sắm xe đạp xịn, máy tính bảng đời mới cho con, đầu tư cho thằng nhóc đủ thứ hết. Rằng cho con học thêm lớp kỹ năng tư duy này nọ, kèm theo hóa đơn xù xù tên vợ ở chỗ người nộp tiền, nhưng vẫn hồn nhiên chụp hình đăng mạng để chứng tỏ đẳng cấp với thiên hạ. Thậm chí, cái điện thoại đời mới anh đang xài cũng được mua bằng thu nhập của vợ, nhưng anh hồn nhiên phô phang đến kinh ngạc…
Mẫu đàn ông ấy, vì bản thân yếm thế nên luôn thích chứng tỏ với phái yếu bên ngoài. Nổ tung trời nhưng tới lúc thanh toán lại tranh thủ đi vệ sinh. Đàn bà nên đại kỵ mẫu người như thế. Thậm chí, cô bạn tôi từng nghe một ông anh tỉ tê tâm sự với người đàn ông khác, rằng cứ để chị em yêu quý đãi mình, dại gì mà phải giành, mình có mặt góp vui là tốt rồi. Đấy cũng chính là thành phần thường xuyên có mặt ở các cuộc nhậu nhẹt, tụ họp, nhưng ít khi chịu đóng góp phần mình, mà lảng tránh, vin vào sự cả nể e dè của bạn bè đồng nghiệp nữ, để thỏa thích ăn chùa, uống chùa…
Có chị kể, đi cà phê với người đàn ông mới gặp lần đầu, nhưng đã bị sốc toàn tập. Vì anh ấy khăng khăng gặng hỏi phục vụ xem, tại sao nước ép không đá lại đắt hơn có đá. Đồ ăn ở đây mắc mỏ quá, mà chả ra gì, vậy mà em lại muốn vào chỗ này… Đại khái thế. Riêng cái cách anh ấy chậm rãi mở ví, đếm tiền vô cùng cẩn thận, đưa cho nhân viên quán với thái độ từ từ đầy… tiếc nuối, cũng đủ khiến cho người phụ nữ đang hưởng cái diễm phúc được mời cơm mời nước ấy thấy ít nhiều ngượng ngập lúng túng khó xử với xung quanh…
Đến khi cặp đôi bồ bịch, ăn vài củ khoai lang nướng với trứng cút lộn cùng trà đá, lúc tính tiền anh ấy giành trả, nhưng thời gian mở bóp quá lâu, săm soi hoặc yêu cầu người bán tính giá từng món cho biết rõ, rồi cầm số tiền thối lại với thái độ tần ngần, thì cũng đủ để cô gái đi chung thấy muốn bỏ của chạy lấy người...
Không nhất thiết tỏ vẻ sĩ diện hay chi xài vung vít, nhưng đàn ông giữ chút kín đáo, tế nhị, nhẹ nhàng liên quan tới tiền bạc, luôn đẹp và đáng trọng hơn trong mắt phái nữ. Đàn bà có thể yêu một người đàn ông ít tiền, mãn nguyện khi sống đơn sơ hạnh phúc bên anh chồng tốt tính, nhưng khó lòng mà chịu đựng nổi một gã ky bo ti tiện, khó coi. Nhưng một người đàn bà luôn biết phòng thân, không hứng thú với chuyện được “bao” hay mời, độc lập về tài chính là điều kiện tiên quyết để mạnh dạn nhắc tới hai chữ “bình đẳng”. May thay, đàn ông hào hiệp lịch lãm vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với những “con sâu” kể trên. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Câu ấy, quả thật không sai!
Tác giả bài viết: An Nhiên