(Ảnh minh họa)
Con sắp bị cho ra rìa rồi
Tháng 5/2015, tại Vũ Hán - Trung Quốc đã xảy ra một sự việc đau thương khi chị gái thả em trai mới 2 tháng tuổi từ tầng 8 xuống đất, khiến em bé tử vong ngay tại chỗ.
Nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là bởi cô bé 7 tuổi nghe được những câu nói đùa liên quan tới việc "bị cho ra rìa" khi có em nhỏ xuất hiện.
Bởi khi trẻ đã quen với sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ rồi đến khi bị mất đi, trẻ có xu hướng bị tự kỉ và dễ phát sinh những hành động nhằm "đòi lại những gì đã mất".
(Ảnh minh hoạ)
Con là chị con phải nhường hết cho em
Chuyện tranh giành đồ chơi hay một thứ gì đó là điều thường xuyên xảy ra đối với những gia đình có hai bé sinh gần nhau.
Có không ít ông bố bà mẹ áp đặt cho con suy nghĩ "Con là anh/chị, con phải nhường cho em" hoặc cứ khi có tiếng khóc trong nhà, người anh/chị thường bị mắng hoặc phạt cho dù ai đúng ai sai. Nguyên nhân cũng vì 3 chữ "phải nhường em".
Điều này nếu thường xuyên diễn ra trong một thời gian dài dễ gây tâm lý phản kháng cho trẻ nhỏ. Bởi vậy, thay vì áp đặt, bắt phạt... người anh/chị, các cha mẹ nên phân xử, nói chuyện một cách nhẹ nhàng để sự nhường nhịn trở thành ý thức và tạo dựng cân bằng cho 2 đứa trẻ.
Con nuôi - nhặt về từ đống rác
Câu nói này cực kì nguy hiểm, nó sẽ ám ảnh tới tâm lý của trẻ, khiến cho trẻ luôn luôn lo lắng về nguồn gốc của mình.
Sau này trẻ dễ nghĩ tới những vấn đề như bố mẹ sẽ bỏ rơi mình, không nuôi mình nữa... điều này sẽ được nhân lên rất nhiều khi bạn mắng mỏ hay phạt trẻ.
Câu nói này ngoài việc khiến trẻ mất niềm tin vào gia đình, bố mẹ mà còn cảm thấy mặc cảm với chính mình.
(Ảnh minh hoạ)
Nín ngay không là gọi công an đến bắt
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao trẻ nhỏ lại sợ những chiến sĩ công an đến thế. Bởi khi trẻ khóc hay không chịu nghe lời thì "chú công an" luôn được đưa ra để làm hình tượng xấu nhằm hăm doạ trẻ.
Như vậy, thay vì nhờ cậy đến "chú công an" để giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết trong cuộc sống, trẻ lại có xu hướng tránh xa, e ngại nếu không muốn nói là sợ.
Khen và hay động chạm tới chỗ nhạy cảm của bé trai
Cảnh một số trẻ nhỏ thường bị người lớn xem, sờ nắn chỗ nhạy cảm của bé trai chẳng hề hiếm thấy ở Việt Nam.
Nhưng hành động này diễn ra thường xuyên rất dễ cấu thành hành vi "quấy rối tình dục". Bên cạnh đó, trẻ nhỏ sẽ coi hành vi "động chạm tới chỗ nhạy cảm" là chuyện bình thường và có thể áp dụng với những bạn đồng trang lứa, khi đó thực sự rất nguy hiểm.
Xinh thế này thì sau cho thi Hoa hậu
Gặp 1 cô bé xinh xắn, người lớn vẫn hay khen những câu tương tự như "lớn cho đi thi Hoa hậu, ối chàng mê, sau cứ kiếm đại gia lo cho không cần học..."
Trẻ nhỏ thường có trí nhớ tốt, đặc biệt là với những câu khen. Điều này đồng nghĩa với việc lời khen đó có nhiều nguy cơ sẽ tác động tới suy nghĩ, hành động của trẻ khi dần lớn lên.
Chúng dễ sinh tâm lý ỉ lại, lười biếng, bỏ bê học hành mà chỉ chăm lo làm đẹp để sau này "đi thi Hoa hậu" hay "kiếm chồng đại gia".
Tác giả bài viết: Luna