Thể thao

Đừng để bầu Đức cô độc

Bầu Đức cũng bày tỏ sự ngán ngẩm khi cho rằng ông vì lợi ích chung mà đấu tranh cho bóng đá Việt Nam, nhưng nhiều CLB vì sợ bị trù dập mà không dám lên tiếng.

Không phải ngẫu nhiên bầu Đức bức xúc tuyên bố: "Không dẹp được Mafia thao túng bóng đá, tôi thề bỏ bóng đá ngay". Khi buộc phải dùng từ Mafia, có nghĩa là sự tức giận của bầu Đức đã lên đến đỉnh điểm. Và khi bầu Đức buộc lòng phải tố cáo trên các phương tiện truyền thông đồng thời mong đợi Chính phủ thanh tra VFF, điều đó có nghĩa, trong lòng VFF đã và đang có tiêu cực.

Bầu Đức phản ứng mạnh mẽ với những bất thường hiện nay ở thượng tầng VFF


Có chứng cứ hay không mà bầu Đức khẳng định: "Nếu chính phủ tự tin thanh tra, VFF không sai thì mất cái gì tôi cũng chịu?". Trong khi chờ đợi thanh tra chính phủ vào cuộc, bầu Đức tuyên bố với báo chí: "Đơn đề cử ứng cử viên vào HĐQT VPF mà Chủ tịch Lê Hùng Dũng ký vào ngày 30-11-2017 gồm 3 thành viên của VFF là ủy viên Thường trực Trần Anh Tú, Tổng thư ký Lê Hoài Anh, phó Tổng thư ký Đinh Thị Thu Trang để đại diện 35,4% vốn cho VFF ở VPF nhiệm kỳ 3, không thông qua thường trực, mà tôi là người chịu trách nhiệm chính vì đó là chuyện tài chính".

Bầu Đức kết luận đây là cách làm sai nguyên tắc vì ông vừa là Phó chủ tịch phụ trách tài chính vừa là Ủy viên thường trực VFF, nhưng ông chưa bao giờ ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến sự việc này. Thường trực VFF gồm 5 ủy viên, ngoài bầu Đức, ông Trần Anh Tú, còn có chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cùng hai phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn (phụ trách chuyên môn) và Nguyễn Xuân Gụ (phụ trách truyền thông). Trả lời báo Người Lao Động, chính phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ cũng xác nhận là biết việc này, nhưng ông Gụ ngạc nhiên khi đơn tiến cử lại không được các thành viên còn lại thông qua bầu Đức.

Kết quả là đến thời điểm này, ông Trần Anh Tú trở thành Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3, kiêm thêm 2 vị trí Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành tổ chức giải. Chưa dừng lại, bầu Tú còn trở thành ứng viên duy nhất cho chức Phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ VFF Khóa 8, chiếc ghế mà bầu Đức chắc chắn rút lui ngay sau nhiệm kỳ này.

Khi bầu Đức lên tiếng phản ứng làm rúng động thượng tầng VFF cũng như VPF, nhiều đội bóng cũng như thành viên VFF bày tỏ sự đồng tình với cách làm thiếu minh bạch của thường trực VFF cũng như Tiểu ban Nhân sự do chủ tịch Lê Hùng Dũng đứng đầu. Tuy nhiên, số người ra mặt phản ứng quá ít, trong khi đa phần chỉ giữ im lặng quan sát. Chính bầu Đức cũng bày tỏ sự ngán ngẩm khi cho rằng ông vì lợi ích chung mà đấu tranh cho bóng đá Việt Nam, nhưng nhiều CLB vì sợ bị trù dập mà không dám lên tiếng.

"Chúng ta bỏ tiền ra hàng chục năm làm bóng đá nhưng lại để người ngoại đạo lên điều hành thì có xót xa hay không?", câu cảm thán của bầu Đức cho thấy ông đang đơn độc. Hơn lúc nào hết, bầu Đức cần thêm nhiều tiếng nói đồng tình, tạo áp lực mạnh mẽ để các cấp cao hơn có trách nhiệm phải vào cuộc, chấn chỉnh lại mọi thứ ngay trước thềm Đại hội khóa 8.

Tác giả: Hoàng Tú

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP