Bạn cần biết

Đừng chủ quan với cơn đau da đầu, có nguyên nhân gây mù lòa, đe dọa tính mạng

Đau da đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như tình trạng da, đau đầu lan tỏa hay nhiễm trùng,....

Da đầu của chúng ta có nhiều mạch máu, đầu dây thần kinh và nang tóc bên dưới nên khiến da đầu dễ nhạy cảm hơn với cơn đau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau da đầu là gì mà cơn đau có thể ở mức nhẹ hoặc nghiêm trọng như đau nhói, đau châm chích, đau kèm ngứa hay đau da đầu âm ỉ.

Đôi khi cơn đau da đầu có thể kèm theo rụng tóc từng mảng, đổi màu da đầu, da đầu đóng vảy hoặc bong tróc, xuất hiện các cục u/mụn nhỏ ngứa ngáy trên da đầu.

1. Đau da đầu là bệnh gì?

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của tình trạng đau da đầu mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, những thông tin này không thể thay thế chẩn đoán của bác sĩ. Khi cảm thấy cơn đau da đầu bất thường và nghiêm trọng, hãy thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Rụng tóc do lực kéo (Traction alopecia)

Rụng tóc do lực kéo hay còn gọi là rụng tóc do kéo là thể rụng tóc thứ phát do sức căng hoặc áp lực lên tóc, chủ yếu ở vùng trán và thái dương.

Một số phương pháp xử lý và tạo kiểu bằng cách kéo ép chặt tóc có thể gây đau da đầu (Ảnh: Internet)

Một số phương pháp xử lý và tạo kiểu bằng cách kéo ép chặt tóc, chẳng hạn như tóc thắt đuôi sam hay buộc tóc cao đuôi ngựa, tóc búi cao có thể làm hỏng nang tóc, viêm mạch máu dọc theo da đầu và gây rụng tóc. Tình trạng này dễ dàng gây ra cảm giác châm chích và đau da đầu.

- Bệnh vẩy nến da đầu

Bệnh vẩy nến là một tình trạng tự miễn dịch có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào của cơ thể, bao gồm cả da đầu.

Bệnh vảy nến da đầu đặc trưng bởi các mảng đỏ trắng như sáp nến trên da đầu. Những mảng này xếp chồng lên nhau dễ bong tróc vảy gây ngứa ngáy, khó chịu và có thể đau nhức. Việc gãi có thể gây chảy máu, rụng tóc vĩnh viễn hoặc nhiễm trùng.

Bệnh vẩy nến là một tình trạng tự miễn dịch có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào của cơ thể, bao gồm cả da đầu (Ảnh: Internet)

Đối phó: Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc các loại thuốc bôi tại chỗ như: Acid Salicylic, Corticoid, liệu pháp Vitamin D để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giúp da bong vảy, giảm viêm da hoặc thuốc dạng uống, thuốc tiêm. Ngoài ra, bệnh nhân bị vảy nến da đầu thường ưu tiên sử dụng các loại dầu gội có thành phần Acid salicylic, Clobetasol propionate và Coal tar để điều trị tính trạng viêm trên da đầu.

- Viêm nang lông

Viêm nang lông là một bệnh về da do da bị nhiễm khuẩn hay nấm dẫn tới ngứa ngáy, đau nhức và mẩn ngứa. Viêm nang lông ở da đầu còn được gọi là viêm chân tóc hoặc viêm nang tóc, phổ biến ở người có da đầu thể dầu, làm việc trong môi trường nóng ẩm dễ ô nhiễm,... làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Viêm nang lông da đầu thường gặp nhất ở sau gáy và tóc mai. Da đầu người bệnh thường xuất hiện các nốt sẩn nhỏ ở chân tóc, đóng vảy, ngứa ngáy và có thể gây đau.

Đối phó: Điều trị viêm nang lông có thể bằng thuốc kháng sinh đường bôi hoặc uống nếu viêm nhiễm do nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Các loại dầu gội chống nấm cũng có thể hỗ trợ điều trị. Nếu viêm nang lông nghiêm trọng, liệu pháp ánh sáng hoặc tiểu phẫu (dẫn lưu mụn mủ) có thể được chỉ định.

Đau đầu và các rối loạn thần kinh như đau nửa đầu có thể gây ra các cơn đau da đầu (Ảnh: Internet)

- Đau đầu và các bệnh lý thần kinh

Đau đầu và các rối loạn thần kinh như đau nửa đầu có thể gây ra các cơn đau da đầu.

Chẳng hạn, đau đầu do căng thẳng với đặc trưng là những cơn đau âm ỉ hoặc đau thắt chặt quanh thái dương, khiến cơ ở da đầu và cổ căng lên. Đối với một số người, cơn đau đó có thể tệ hơn ở da đầu so với các vùng khác trên đầu.

Cơn đau dữ dội ở da đầu cũng có thể xảy ra do chứng đau dây thần kinh chẩm. Đau thần kinh chẩm là tình trạng các dây thần kinh chẩm – là hai đôi dây thần kinh xuất phát từ đốt sống cổ thứ hai và thứ ba (C2,C3) bị viêm hoặc bị tổn thương.

Đối phó: Thông thường thì đầu tiên để giảm cơn đau nhức đầu mọi thường sẽ sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hay naproxen nhưng những người bị đau đầu do căng thẳng tái phát có thể cần đơn thuốc cho thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptyline có tác dụng an thần mạnh, giúp giảm căng thẳng hệ thần kinh hiệu quả.

Nếu cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn ngay khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn hay các biện pháp khác tại nhà, cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và hướng dẫn điều trị phù hợp.

- Cháy nắng

Cháy nắng có thể gây tổn thương da đầu dẫn tới các cơn đau da đầu và kích ứng. Ngoài đau da đầu thì cháy nắng có các triệu chứng khác như sưng tấy, phồng rộp da đầu hoặc bong tróc, da đầu sưng đỏ. Trong trường hợp bị cháy nắng nghiêm trọng, bạn cũng có thể bị yếu, lú lẫn, ngất xỉu, mất nước và sốc.

Cháy nắng có thể gây tổn thương da đầu dẫn tới các cơn đau da đầu và kích ứng (Ảnh: Internet)

Đối phó:Trong hầu hết các trường hợp, cháy nắng có thể được điều trị tại nhà bằng cách tắm nước mát, chườm khăn mát lên da đầu hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, acetaminophen hay kem dưỡng ẩm có chứa chiết xuất lô hội để giảm sưng đau. Ngoài ra, cần tránh các sản phẩm chăm sóc tóc và da đầu có chứa benzocaine hoặc các thành phần tương tự có đuôi "caine" vì có thể dẫn tới kích ứng.

- Viêm động mạch thái dương

Là một bệnh lý viêm mạch máu khiến mạch máu bị viêm và sưng lên làm giảm lưu lượng máu cung cấp tới các mô cơ quan trong cơ thể. Đây là bệnh có nguy cơ gây nguy hiểm đối với thị giác, có thể dẫn tới mù lòa và tăng nguy cơ đột quỵ hay bệnh thận.

Viêm động mạch thái dương có thể gây ra một số cơn đau da đầu không rõ ràng, nhưng đặc trưng nhất là những cơn đau đầu nghiêm trọng ở hai bên thái dương, cơn đau đầu có thể đến rồi đi (trung bình từ 1 - 2 cơn một ngày, mỗi cơn đau đầu kéo dài từ 2 - 3 giờ) với cảm giác tê buốt như bị kim châm và lan tỏa tới trán, hốc mắt. Khi sờ vào vùng thái dương sẽ có cảm giác nóng ấm, hơi sưng.

Viêm động mạch thái dương là tình trạng đe dọa tính mạng và cần được điều trị kịp thời ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh (Ảnh: Internet)

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như mệt mỏi; chán ăn; mất ngủ; giảm cân cân không rõ nguyên nhân; viêm đa khớp ở cổ, vai và háng; giảm thị lực đột ngột thậm chí là mù vĩnh viễn một bên mắt chỉ trong vài giờ tới vài ngày nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Đối phó: Để điều trị viêm động mạch thái dương, chủ yếu là sử dụng liều cao corticosteroid (chẳng hạn như prednisone) để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực có thể xảy ra. Tùy từng mức độ nghiêm trọng mà có thể cần sử dụng các biện pháp bổ sung khác trong 1 - 2 năm để dự phòng.

- Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là tình trạng sức khỏe đặc trưng bởi các cơn đau ở khắp cơ thể và rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề khác như sức khỏe suy giáp hay bệnh tự miễn, rối loạn tâm thần,... Nguyên nhân chính xác gây đau cơ xơ hóa vẫn chưa được biết, nhưng các yếu tố góp phần có thể bao gồm quá trình xử lý bất thường các thông điệp đau trong hệ thần kinh trung ương, mất cân bằng hóa học và di truyền.

Bệnh đau xơ cơ hóa gây ra tình trạng đau nhức toàn thân mãn tính và lan rộng, bao gồm cả đau da đầu cùng với các vấn đề về tiêu hóa và triệu chứng khác như mất ngủ, suy giảm nhận thức.

Đối phó: Điều trị đau cơ xơ hóa thường tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Để giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, Gabapentinoids,...

2. Khi nào đau da đầu cần thăm khám bác sĩ?

Một số tình trạng đau da đầu có thể tự khỏi hoặc cải thiện nhờ thuốc giảm đau không kê đơn. Nhưng nếu cơn đau da đầu kéo dài hoặc đau nghiêm trọng hơn, tốt nhất hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử sức khỏe, các triệu chứng kèm theo đau da đầu, đánh giá mức độ cơn đau và kiểm tra da đầu để tìm kiếm các dấu hiệu có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Xét nghiệm máu, chẩn đoán bằng hình ảnh để loại trừ bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hay rối loạn thần kinh nào có thể là nguyên nhân gây đau da đầu.

Nếu đau da đầu là do nhiễm trùng, thường cần dùng thuốc kháng sinh uống hoặc bôi ngoài da hoặc thuốc chống nấm, cùng với thuốc corticosteroid bôi ngoài da để giúp giảm viêm và các triệu chứng liên quan. Đối với tình trạng da như bệnh vẩy nến da đầu, có thể điều trị bằng cách kết hợp thuốc theo đơn dạng bôi và uống, tiêm và liệu pháp ánh sáng. Các tình trạng thần kinh như chứng đau nửa đầu có nhiều phương pháp điều trị theo đơn, bao gồm nhiều loại thuốc uống và thuốc tiêm khác nhau để giúp giảm tần suất và cơn đau đầu, cũng như ngăn ngừa các cơn đau tái phát.

Cuối cùng, để có da đầu khỏe mạnh, hãy bắt đầu từ biệc loại bỏ những thói quen xấu như: Tránh gãi da đầu để giảm nguy cơ kích ứng, chảy máu và rụng tóc; qủan lý căng thẳng tốt giúp cho các tình trạng như bệnh vẩy nến da đầu không trở nên nghiêm trọng hơn; hạn chế sử dụng máy sấy tóc và dụng cụ làm tóc nhiệt độ cao đồng thời nên gội đầu massage nhẹ nhàng da đầu để kích thích lưu thông máu cho da đầu.

Tác giả: Châu Anh

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG