Trụ sở của Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - nơi xảy ra vụ buôn lậu “khủng” - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Các bị cáo bị truy tố về các tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhận hối lộ, đưa hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong ngày xét xử đầu tiên, trong khi các bị cáo thuộc nhóm tội đưa hối lộ khẳng định việc "kẹp" phong bì vào hồ sơ hải quan là "truyền thống", nhóm bị cáo nhận hối lộ lại cho rằng đã nhận phong bì vì "tình cảm".
Nhận phong bì vì "tình cảm"!
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 10-2015 đến ngày 29-1-2016, lợi dụng việc nhập khẩu xăng dầu về VN kinh doanh, Nguyễn Đức Mạnh (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) cùng các thuộc cấp đã tổ chức buôn lậu 12 chuyến hàng xăng dầu (khoảng 100.000 tấn), với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định Đinh Hữu Thùy (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận) đã nhận hối lộ để bỏ qua những chuyến hàng buôn lậu và đồng nghiệp của Thùy là Lê Thanh Vinh bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại tòa, bị cáo Thùy khai đã nhận 10 phong bì "bồi dưỡng" từ Công ty CP Dương Đông Hòa Phú, với số tiền 120 triệu đồng sau mỗi lần đến giám sát.
Mỗi lần nhận phong bì, Thùy lấy riêng 3 triệu đồng, 3 triệu chia cho đồng nghiệp đi cùng và số còn lại nộp vào "quỹ" đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận.
Bị cáo Thùy thừa nhận đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc giám sát bơm xăng dầu từ tàu lên kho chứa. Sau khi xong việc, Thùy được công ty đưa cho phong bì "bồi dưỡng".
Trả lời câu hỏi vì sao công ty lại đưa phong bì cho Thùy, Thùy khai do thấy anh em đi làm "cực khổ" nên họ đưa và chỉ đưa với mục đích tình cảm!
Bị cáo Thùy còn cho rằng do tin tưởng công ty và bản thân còn chủ quan nên không làm đúng trách nhiệm, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Riêng chuyến tàu cuối cùng bị bắt quả tang, bị cáo Thùy cho rằng mình chưa nhận phong bì.
Bị cáo Lê Thanh Vinh cũng thừa nhận đã không làm đúng trách nhiệm được giao. "Do bị cáo hay say sóng và chủ quan nên không lên tàu giám sát việc bơm xăng dầu" - bị cáo Vinh khai.
"Kẹp" sẵn phong bì
Các bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ khai những phong bì trên do Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) đưa sau khi làm xong việc.
Đáp lại những lời khai này, bị cáo Tuấn Anh cho biết đã đưa tổng cộng 12 bộ hồ sơ, trong đó kẹp thêm phong bì cho các nhân viên hải quan trước khi đi giám sát.
Bị cáo Tuấn Anh cho biết việc đưa thêm phong bì trong hồ sơ là thực hiện theo chỉ đạo của các "sếp", đồng thời không biết trong mỗi phong bì bao nhiêu tiền và có chắc chắn là tiền hay không vì đã dán kín.
Bị cáo Tuấn Anh khai thêm công việc của mình chỉ là nhận hồ sơ tờ khai hải quan của công ty rồi đến Chi cục Hải quan Bình Thuận giao, chở các cán bộ về giám sát. "Vừa đến chi cục là bị cáo đưa hồ sơ, trong đó đã kẹp sẵn phong bì" - bị cáo Tuấn Anh khai.
Trong khi đó, theo bị cáo Nguyễn Đức Mạnh, việc đưa phong bì cho cán bộ hải quan là "truyền thống" từ trước khi về nhận nhiệm vụ.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Thanh Sơn (nguyên phó tổng giám đốc công ty) và Tuấn Anh là những người đề xuất đưa phong bì trong mỗi bộ tờ khai hải quan.
"Từ trước đến nay làm như thế nào thì bây giờ làm như thế đó" - bị cáo Mạnh nói. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.
Trong vụ án này, cáo trạng còn truy tố bị cáo Romels Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) - thuyền trưởng tàu BTS Christina - về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài các cán bộ hải quan, để giúp sức cho các bị cáo thực hiện hành vi buôn lậu này được trót lọt là một số cán bộ (cũng là bị cáo vụ án này) tại những đơn vị giám sát cấp chứng thư giám định. Các bị cáo này đã chỉ đạo và thực hiện hành vi giám định ít hơn so với số lượng xăng dầu thực tế khai báo với hải quan. |
Tác giả: ĐỨC TRONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ Online