Học sinh tiểu học tham gia kỳ học thực tế tại một trang trại ở quận Long Biên. |
Chi tiền triệu cho khóa học hè
Trước khi con nghỉ hè cả tháng trời, chị Nguyễn Lan Hương (phố Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên mạng tìm kiếm những trung tâm kỹ năng có các chương trình "vừa học vừa chơi", với mong muốn gửi cô con gái 7 tuổi trong mùa hè này. “Mặc dù đã lường trước sẽ có nhiều phụ huynh đăng ký nhưng trước nghỉ hè khoảng 2 tháng, tôi lên mạng kiếm một vài địa chỉ ưng ý thì đã kín chỗ”- chị Lan Hương chia sẻ .
Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, hè đến cũng là dịp hàng loạt trung tâm ngoại ngữ, du học, kỹ năng sống tung chiêu quảng cáo tuyển sinh. Mức phí cho các khoá học cũng muôn hình vạn trạng. Từ vài triệu đồng đến cả nghìn USD cho một khóa học. Bên cạnh các khóa học truyền thống như tiếng Anh, nhạc, họa... vài năm trở lại đây, học kỳ quân đội cũng được khá nhiều phụ huynh lựa chọn. Theo nhiều phụ huynh, sau khóa học, các con không chỉ có thêm được những trải nghiệm, làm quen được nhiều bạn bè mới mà có phần ngoan và tự giác hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều tổ chức đã xây dựng và tuyển sinh cho các khóa học này với mức học phí trung bình từ 5 - 10 triệu đồng một khóa học 7 ngày.
Tuy nhiên, một thực tế được nhiều phụ huynh cùng chia sẻ, sau khi trở về từ khóa học, con thay đổi ý thức rất tốt. Nhưng chỉ được vài tuần, một thời gian sau “đâu lại vào đấy”. “Về nhà, con lại vào guồng quay học tập, phim ảnh, internet, được bố mẹ cưng chiều nên con quên hết kỹ năng đã học”- anh Phan Hoàng Đức (Khu Đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ. Bên cạnh các khoá học bình dân, nhiều gia đình có điều kiện hơn đăng ký cho con đi học trại hè ở nước ngoài.
Chị Vân Anh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết, hè năm trước đã đầu tư 2.000 USD để con gái lớp 7 tham gia trại hè quốc tế tại Singapore trong thời gian 10 ngày. “Suốt thời gian tham dự trại hè, con và các bạn được đi tham quan các địa danh. Tuy nhiên, mục đích chính là được giao lưu với các bạn ở nước ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh lại chưa đạt vì hầu hết đoàn là người Việt. Nơi ăn ngủ và sinh hoạt của các con cũng rất bình dân và không hề ấn tượng như trong quảng cáo” – chị Vân Anh chia sẻ.
Tìm hiểu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”
Theo bà Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, việc cho trẻ tham gia những khóa học kỹ năng vào mùa hè là rất cần thiết. Điều này giúp trẻ có những trải nghiệm thực tế sinh động để áp dụng vào đời sống. Tuy nhiên, phụ huynh phải trở thành những khách hàng thông thái, lựa chọn những địa chỉ uy tín, đồng thời cần xem xét mức tiền bỏ ra có xứng đáng với kết quả mong đợi hay không.
“Trước khi cho con tham dự các khóa học hè, cha mẹ cần nắm bắt được khả năng của con rồi mới quyết định đầu tư, cho con học đúng theo năng lực thì mới đạt được hiệu quả. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần xác định khóa học trong một thời gian rất ngắn không thể trông chờ vào sự thay đổi kỹ năng sống của trẻ. Đây chỉ là những kỹ năng ban đầu để các em có thể bước vào cuộc sống tự tin hơn. Vì thế, cha mẹ không nên quá áp đặt hay kỳ vọng quá nhiều vào trẻ”- bà Loan nói. Cũng theo bà Loan, trẻ càng nhỏ thì vai trò giáo dục gia đình rất quan trọng. Những sinh hoạt hằng ngày, sự tham gia và hướng dẫn của cha mẹ có vai trò quyết định trong hình thành kỹ năng sống cho con. Nhà trường hay các tổ chức giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể hỗ trợ rèn kỹ năng chứ không thể đóng vai trò quyết định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh, mỗi bậc cha mẹ khi lựa chọn một khóa học hè cho con ngoài việc đưa ra định hướng thì cần quan tâm tới sở thích và khả năng của con. Đặc biệt không nên áp đặt con phải học các khóa học do bố mẹ lựa chọn.
Khi cho con tham gia bất kỳ khóa đào tạo kỹ năng sống nào, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về đơn vị đứng ra tổ chức, nhằm tránh mất tiền oan cho những khóa học phô trương bên ngoài, thu tiền giá cao nhưng lại chỉ là một kiểu trông giữ trẻ đơn thuần hay có những phương pháp giáo dục phản khoa học. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Việt Nam |
Tác giả: Tuệ Nhi
Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị