Thế giới

Dự án Trung Quốc gần căn cứ quân sự khiến thành phố Mỹ chia rẽ sâu sắc

Dự án xây dựng nhà máy xay ngô trị giá khoảng 700 triệu USD tại vùng ngoại ô một thành phố Mỹ của Trung Quốc làm dấy lên bất đồng giữa người dân và chính quyền.

Vùng đất cằn cỗi yên bình ở phía bắc thành phố Grand Forks, bang North Dakota những tháng qua trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi một công ty Trung Quốc dự định xây một nhà máy xay ngô tại đây.

Ở một bên chiến tuyến, người dân lo ngại dự án này, vốn được hội đồng thành phố chấp thuận sẽ thúc đẩy hoạt động gián điệp trong cộng đồng.

Ở bên còn lại, các quan chức thành phố bác bỏ mọi lo ngại về nguy cơ gián điệp, nhấn mạnh đây là thỏa thuận đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của thành phố.

Các tranh cãi diễn ra trong bối cảnh các cơ quan liên bang và giới nghị sỹ Mỹ đang ngay càng tỏ ra quan tâm và yêu cầu giám sát kỹ lưỡng hơn với dự án này.

Vị trí gây tranh cãi

Tâm điểm của cuộc tranh cãi hiện tại là Fufeng USA, công ty con của Tập đoàn Fufeng có trụ sở tại Trung Quốc. Fufeng USA lên kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến ngô trị giá 700 triệu USD ở vùng ngoại ô vắng vẻ của Dakota. Dự án dự kiến tạo 700 việc làm và mang lại 1 triệu USD tiền thuế bất động sản hàng năm cho chính quyền.

Fufeng USA lên kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến ngô trị giá 700 triệu USD ở vùng ngoại ô vắng vẻ của Dakota. (Ảnh: FufengUSA)

Nhưng nhiều người dân địa phương lưu ý nhà máy này chỉ cách căn cứ không quân Grand Forks của Mỹ chỉ 19 km. Grand Forks là cơ sở nắm giữ nhiều thông tin tình báo quan trọng và đảm đương “hoạt động chính của mọi thông tin liên lạc quân sự của Mỹ trên toàn cầu”, theo mô tả của một thượng nghị sĩ North Dakota.

Bất chấp lo ngại này, hồi tháng 11, Fufeng USA thành công mua lại gần 150 ha đất để xây nhà máy với giá 11.000 USD/ha.

Tranh cãi lên tới đỉnh điểm vào hồi đầu tháng 3 tại một cuộc họp của hội đồng thành phố khi người dân tập trung lại, la hét phản đối.

"Các ông điên rồi", một người dân hét lên trước Thị trưởng Brandon Bochenski và 7 quan chức trong hội đồng.

"Các ông nói dối", một người khác lên tiếng.

Kể từ đó, cư dân trong và xung quanh thành phố không bỏ qua bất cứ cuộc họp hàng tuần nào của hội đồng thành phố.

Khẳng định "hội đồng thành phố đã mang Trung Quốc tới Grand Forks", bà Elizabeth Barber - một nhà nghiên cứu y khoa lo ngại "Trung Quốc có động cơ bất chính đối với bất cứ vấn đề gì liên quan tới Mỹ".

Fufeng USA bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 2020. Dự án của Fufeng USA thu hút sự chú ý từ tháng 1 sau khi Ross Kennedy - một nhà tư vấn ngành chuỗi cung ứng viết trên blog cá nhân về mối liên hệ của công ty này với Trung Quốc. Kennedy lưu ý Chủ tịch của Fufeng USA là Li Xuechun, người từng là Đại biểu Quốc hội đại diện cho tỉnh Sơn Đông hồi năm 2007.

Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia này nhận định việc Fufeng USA đặt cơ sở sản xuất tại Grand Forks không mang nhiều ý nghĩa khi mà thành phố này thiếu nguồn cung nước, khí tự nhiên và cũng như là nơi thu hoạch ngô nhiều như các khu vực lân cận.

“Chắc chắn sẽ thuận tiện hơn cho mục đích địa chính trị, quân sự và gián điệp nếu có một nhà máy chế biến ngô lớn nằm gần Grand Forks”, ông Kenedy nói.

Về phần mình, Fufeng khẳng định rằng họ quyết định chọn Grand Forks sau khi cân nhắc, đánh giá về các yếu tố như nguồn cung ngô, khí tự nhiên, nước, đất đai, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông và chất lượng của lực lượng lao động.

North Dakota sản xuất 10 triệu tấn ngô mỗi năm. Fufeng dự kiến ​​sẽ thu mua 0.68 tấn ngô hàng năm, con số được xem là một triển vọng hấp dẫn với nông dân địa phương.

Căn cứ không quân Grand Forks. (Ảnh: SCMP)

“Công việc của chúng tôi là sử dụng ngô của mình và tạo cơ hội cho nông dân bán ngô của họ", Jean Henning - giám đốc điều hành của Hội đồng sử dụng ngô North Dakota cho hay.

Theo thỏa thuận với thành phố, Fufeng sẽ được miễn thuế 90% trong 10 năm đầu tiên và 70% trong 10 năm tiếp theo. Dự án dự kiến sẽ được xây dựng trong vòng 3 năm.

Nhưng khi các thông tin về kế hoạch của Fufeng tiếp tục được lan truyền, hơn 2.000 người dân địa phương tham gia một nhóm Facebook có tên "Những công dân quan tâm đến dự án Fufeng ở Grand Forks". Lá đơn kêu gọi mở một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn thành phố về vấn đề này cũng thu thập được hơn 5.300 chữ ký.

Đánh động tới Washington

Sự phản đối kịch liệt của công chúng nhanh chóng thu hút sự chú ý từ Washington.

Vào tháng 5, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, cơ quan tư vấn hàng đầu của Mỹ về chính sách Trung Quốc đưa dự án vào báo cáo về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành nông nghiệp Mỹ.

Nhà máy chế biến ngô gần căn cứ không quân Grand Forks là dự án của Trung Quốc mới nhất gây quan ngại tại Mỹ. Năm ngoái, Texas chặn một dự án trang trại gió trị giá 110 triệu đô USD gần Căn cứ Không quân Laughlin ở Del Rio.

Năm 2019, HNA - tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc phải bán văn phòng ở giữa Manhattan với khoản lỗ 41 triệu USD vì nó cách Tháp Trump vài dãy nhà và được coi là một rủi ro an ninh.

Những người ủng hộ dự án của Fufeng tại địa phương cho rằng những cáo buộc liên quan là "các suy đoán" vô căn cứ.

"Chúng ta đều biết giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều căng thẳng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải nhận thức về tình huống và khách quan về mọi thứ", Todd Feland - quản trị viên thành phố Grand Forks cho hay.

Nhà máy Fufeng định xây dựng chỉ cách căn cứ không quân Grand Forks 19 km. (Ảnh: SCMP)

Feland cho biết ông và thị trưởng, lãnh đạo hội đồng thành phố và các luật sư đã gặp các quan chức FBI khu vực vào tháng 4 và không nhận được thông tin nào khiến họ phải dừng dự án.

Ông này nói thêm rằng các quan chức của Grand Forks sẽ liên hệ với FBI và Không quân Mỹ để nắm được bất kỳ thông tin cập nhật nào liên quan đến các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các lo ngại vẫn còn đó ở Washington. Một báo cáo gần đây của cơ quan tình báo liên bang kêu gọi thận trọng về dự án với lý do lo ngại chung về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính phủ và các thực thể kinh doanh ở Mỹ.

"Trung Quốc có thể sử dụng khả năng tiếp cận thị trường, đầu tư hoặc phụ thuộc kinh tế làm đòn bẩy và công khai gây sức ép với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là những người có lợi ích thương mại ở Trung Quốc, vận động cho các chính sách mà Bắc Kinh ủng hộ", Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo mới đây.

Một số thượng nghị sỹ ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ tuần trước gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính, yêu cầu mở một cuộc điều tra về các tác động an ninh quốc gia của dự án Fufeng.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm đều trong những năm gần đây do hạn chế vốn của Trung Quốc, COVID-19 và môi trường kém thân thiện ở Mỹ.

Một cuộc khảo sát của Tổng cục Thương mại Trung Quốc trong tháng này đối với 111 công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ cho thấy "sự lạc quan đang giảm do gián đoạn thương mại kéo dài và môi trường pháp lý ngày càng không chắc chắn".

Theo thống kê của tổ chức tư vấn Rhodium Group, mức đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 48,5 tỷ USD năm 2016 xuống còn 7,2 tỷ USD năm 2020 và 5,7 tỷ USD năm 2021.

Giáo sư Ji Li tới từ Đại học California - Irvine cho rằng sự sụt giảm này một phần là do các cơ quan quản lý Mỹ không hiểu biết đầy đủ về Trung Quốc và tồn tại tâm lý cho rằng mọi nhà đầu tư Trung Quốc đều bị kiểm soát bởi chính phủ.

Nhưng ông này chỉ ra rằng trong khi một số công ty do nhà nước sở hữu, nhiều công ty khác chỉ có liên kết đầu tư thụ động với chính quyền.

Tương lai của nhà máy Fufeng vẫn còn là một dấu hỏi nhưng việc các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với sự nghi ngờ ngày càng tăng khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi là thực tế không thể phủ nhận.

"Nguồn gốc của công ty có tạo ra sự khác biệt không? Đối với một số người là có. Nhưng cũng có những người cho là không", ông Frayne Olson - nhà kinh tế tại Đại học bang North Dakota đánh giá.

Tác giả: SONG HY

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP