Thế giới

Donald Trump tái châm ngòi cuộc chiến với truyền thông

Ông Donald Trump được cho là tổng thống Mỹ đắc cử có nhiều lùm xùm với giới truyền thông nhất lịch sử nước này.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lại châm ngòi cuộc chiến với truyền thông khi ông mở lời công kích New York Times, lẩn tránh báo chí để ăn tối cùng gia đình tại nhà hàng và sử dụng mạng xã hội Twitter như một kênh giao tiếp chính, theo Guardian.

Nhà tài phiệt New York thậm chí còn tỏ ra mập mờ như lúc xuất hiện trên chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" (Nhân viên tập sự) do ông làm người dẫn dắt khi phủ nhận các thông tin nói quá trình chuyển giao quyền lực trong bộ máy của ông đang hỗn loạn vì đấu đá nội bộ.

Trump từng phát động một cuộc chiến đơn độc chưa từng có tiền lệ với giới truyền thông suốt quá trình vận động tranh cử. Ông cấm một số tổ chức tham gia vào chiến dịch và thường xuyên kích động người ủng hộ gây áp lực lên các nhà báo. Trump còn sử dụng Twitter, nơi ông có 15 triệu người theo dõi, để phản pháo những người chỉ trích mình và tung ra các tuyên bố mang tính khiêu khích.

Thậm chí khi sắp trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump dường như vẫn không thể thay đổi thói quen. Tổng thống Barack Obama chỉ ba ngày sau cuộc bầu cử năm 2008 đã có bài phát biểu đầu tiên với báo chí. Trong khi đó, Trump vẫn chưa thực hiện thông lệ này. Thay vì thế, ông tham gia các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, đồng thời đăng tải hoàng loạt dòng bình luận trên Twitter.

"Chúng tôi thực hiện quy trình rất có tổ chức khi quyết định nhân sự cho nội các và các vị trí chủ chốt", Trump viết trên trang Twitter hôm 15/11. "Tôi là người duy nhất biết ai vào vòng chung kết".

Phản pháo báo chí

Cơn bão Twitter khởi phát trở lại vào hôm qua khi Trump đăng đàn phủ nhận các tin tức cho rằng ba người con của ông, gồm Don Jr., Eric và Ivanka, sẽ được cấp giấy phép an ninh tối mật tại Nhà Trắng. "Tôi không có ý định cho phép các con mình miễn kiểm tra an ninh tuyệt mật. Đây hoàn toàn là thông tin không chính xác", ông viết.

Tỷ phú Mỹ đồng thời quay sang công kích New York Times, tờ báo từng tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton và công khai tin tức liên quan đến nghi vấn gian lận thuế của ông suốt 18 năm.

New York Times đã đưa tin về tình trạng lộn xộn trong quá trình chuyển giao quyền lực và tiết lộ thông tin cho biết trong khi Tổng thống Ai Cập và Israel có thể lập tức gọi điện cho Trump để chúc mừng thì Thủ tướng Anh Theresa May phải chờ đến 24 tiếng để làm điều tương tự.

"Câu chuyện thất bại của New York Times về việc chuyển giao quyền lực hoàn toàn sai", ông phản pháo. "Quá trình này diễn ra hết sức êm thấm. Tôi cũng điện đàm với nhiều lãnh đạo nước ngoài".

"Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nhà lãnh đạo thế giới, không như những gì tờ báo New York Times đưa tin. Nga, Anh, Trung Quốc, Arab Saudi, Nhật Bản, Australia, New Zealand và hàng loạt quốc gia khác nữa. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện với họ. New York Times chỉ đơn giản là đang thất vọng và tự thấy họ giống như kẻ ngốc khi đưa tin về tôi như vậy".

Cách phản ứng gay gắt của ông Trump đã phải nhận không ít ý kiến chỉ trích. "Thật điên rồ khi tổng thống đắc cử Mỹ lại không ngừng công kích những người chỉ trích mình trên Twitter", David Frum, cây bút viết diễn văn cho cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, bình luận. "Không có vấn đề gì nếu công khai danh sách các lãnh đạo thế giới chúc mừng. Nhưng đề cập đến tên họ trong một tranh cãi trên Twitter để đáp trả lại tin tức của một tờ báo thì không nên. Đến lúc nào thì tổng thống Trump mới giữ được một bí mật quan trọng?".

Nhiều mối quan ngại cũng được đưa ra liên quan đến cách mà tỷ phú Trump cư xử với truyền thông khi ông phá thông lệ để đi ăn tại một nhà hàng mà không thông báo cho báo chí biết vào tối 15/11. Trước đó, đội ngũ chuyển giao quyền lực của nhà tài phiệt New York nói với phóng viên rằng ông sẽ không xuất hiện trước công chúng cho đến cuối ngày.

Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng chỉ trích việc tỷ phú Trump không cho phép nhà báo đi theo để đưa tin về hoạt động của ông là không thể chấp nhận được. Theo thông lệ , một nhóm nhà báo được phép đi theo đội hình xe phục vụ tổng thống để đưa tin và luôn có mặt trong trường hợp xuất hiện tin tức nóng hổi.

Khi được hỏi liệu ông Trump có thực hiện một cuộc gặp gỡ báo chí không, bà Kellyanne Conway, giám đốc chiến dịch của tỷ phú Mỹ, cho biết sẽ sớm tổ chức sự kiện này nhưng không phải bây giờ vì tổng thống đắc cử còn có rất nhiều công việc cần làm.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cho rằng giới truyền thông cần thích nghi với phong cách CEO của ông Trump. "Phong cách đó có thể trái ngược với quy tắc báo chí truyền thống nhưng bạn không thể áp đặt điều gì với Trump", ông Gingrich nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Trần Việt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP