Cách nói ấy tiếp nối cái logic của những cách nói trước. Không! Không chỉ là sự tiếp nối, nó là lẽ sống, là linh hồn, là đỉnh cao của cái logic ấy: trong mọi hoàn cảnh đều nhất nhất bảo vệ các học trò trước công chúng, và sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Người ta không thể tìm được một HLV sống và làm việc vì các học trò của mình đến như thế. Cái chữ "vì" ngắn ngủi nhưng đanh thép và đầy sức nặng ấy giống như một kim chỉ nam trong sự nghiệp cầm quân của Hữu Thắng.
Từng là một cầu thủ - cầu thủ ở cái môi trường bóng đá "chuyên nghiệp quái gở", hiểu rõ bụng cầu thủ nên khi chuyển sang làm HLV, hơn ai hết Hữu Thắng hiểu rằng mình vì các cầu thủ thì ngược lại, khi thi đấu, các cầu thủ cũng sẽ vì mình. Và thực tế, từ Hà Nội T&T đến Sông Lam Nghệ An, và bây giờ là Đội tuyển Việt Nam, quả đúng là các học trò luôn luôn đá bóng vì Hữu Thắng.
Chia tay AFF Cup, hy vọng có nhiều bài học bổ ích được rút ra cho chiến trường SEA Games năm tới. Ảnh: H.M.
Như ở trận vừa rồi Indonesia, 1/2 cầu thủ trong đội hình xuất phát gốc Sông Lam đá đến cháy mình vì Hữu Thắng, 1/2 cầu thủ còn lại cũng cố gắng hết mình vì Hữu Thắng, vì một người anh - một người thầy luôn hút mọi điểm nóng dư luận về mình, sẵn sàng chịu trách nhiệm để những cầu thủ của mình "vô can".
Tất nhiên, bên cạnh "vì thầy", còn có những chữ "vì" sinh tử khác: với Công Vinh, thì đó còn là vì một trận đấu mà sau đó hoặc cầu thủ này sẽ được thi đấu thêm 2 trận nữa (chung kết), hoặc sẽ là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp; với Vũ Minh Tuấn, đó còn là một trận vì người cha mới lặng lẽ qua đời.
Tất cả những chữ "vì" hoặc rất chung, hoặc rất riêng đó cộng hưởng vào nhau, tạo nên một Đội tuyển Việt Nam rừng rực lửa. Phải nói, lâu lắm rồi người ta mới lại thấy một Đội tuyển Việt Nam giàu có về lửa đến như thế!
Đấy là điều mà Đội tuyển dưới thời các ông thầy nội Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc trước đây không có được. Và vì thế phải rất ghi nhận công lao của HLV Hữu Thắng ở điểm này.
Có lẽ, trong số những HLV Việt Nam lúc này, không một ai có thể ngồi vào cái ghế của Hữu Thắng và làm điều này tốt hơn Hữu Thắng. Thành thử, có quyền tin tưởng rằng năm tới, nếu tiếp tục dẫn dắt Đội tuyển U.23 Việt Nam trong một kỳ SEA Games mà cả một Liên đoàn, một nền bóng đá đặt cược vào một "chiếc huy chương vàng thần thánh" (xin được nói như thế), nhà cầm quân xứ Nghệ sẽ tiếp tục tạo ra một Đội tuyển U.23 rừng rực lửa.
Tuy nhiên, với những trải nghiệm của Đội tuyển Việt Nam vừa rồi, có thể thấy rằng: Để biến cái "huy chương vàng" thần thành thành sự thực thì "lửa" thôi chưa đủ. Vấn đề còn nằm ở khả năng kiểm soát lửa, điều chỉnh lửa, sử dụng lửa một cách hiệu quả nhất, trong khả năng của mình.
Liệu có phải vì lửa quá và hăng máu trả đũa quá mà Nguyên Mạnh mới trả đũa đối phương, phải nhận thẻ đỏ rời sân? Liệu có phải lửa quá, thiếu tính toán quá mà Đình Luật cũng phải nhận một thẻ đỏ như vậy trong trận cuối vòng bảng với đối thủ chiếu dưới Campuchia? Và liệu có phải cũng vì lửa quá, cuốn theo tinh thần, cảm xúc quá mà ban huấn luyện đã thiếu những tính toán tinh tế trong hai trận bát kết, trước một đối thủ mà xét về thực lực cũng chẳng hơn gì mình?
Chẳng hạn như ở trận lượt đi, liệu có nên gồng mình đấu 5-5 trước một Indo vừa giàu sức, vừa cậy thế chủ nhà, để rồi không thể cầm quả bóng, chơi bóng theo cách vốn có của mình hay không? Rồi ở lượt về, có nên giữ Đình Đồng trọn vẹn 120 phút hay không, khi mà ai cũng thấy cầu thủ này vừa có nhiều đường chuyền hỏng, vừa có nhiều biểu hiện không thật tự tin?
Đấy là những điều mà các nhà chuyên môn đã đặt ra, không phải để chê trách, vì thực tế HLV Hữu Thắng và các cầu thủ không đáng bị chê trách, mà để rút ra những bài học cho SEA Games tới.
Trước sau như một, phải cảm ơn HLV Hữu Thắng bởi cái kết cấu Đội tuyển quanh một chữ "vì" (thầy vì trò - trò vì thầy) mà ông đã tạo ra, để từ đó trình làng một Đội tuyển khác hẳn so với những ông thầy nội trước đây. Cái chữ "vì" mà từ đó sinh ra "lửa", khiến cho 40 000 con người ngồi chật kín sân Mỹ Đình có một buổi tối sướng mắt, dạt dào xúc cảm.
Và hãy tin rằng sau tất cả những được - mất ở giải đấu năm nay, những bài học bổ ích nhất cũng sẽ được rút ra, để ở SEA Games tới, bên cạnh chữ "vì" - cái chỗ sinh ra "lửa" chúng ta còn có thêm một chữ "tinh" để điều chỉnh và làm chủ "lửa".
Công Vinh giải nghệ, Thành Lương, Đình Luật nhiều khả năng chia tay Đội tuyển Ngay sau trận bán kết không qua nổi Indonesia, đội trưởng Đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh đã tuyên bố chính thức giải nghệ. Trước giải đấu, Công Vinh từng nói đây sẽ là giải cuối cùng khoác áo Đội tuyển Quốc gia, nhưng bây giờ thì không chỉ là Đội tuyển Quốc gia, đây cũng là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của Công Vinh. Điều này lý giải vì sao trước trận đấu, khi chào cờ, hát quốc ca, gương mặt Công Vinh rưng rưng, đầy cảm xúc, và trong suốt 120 phút có mặt trên sân, người ta thấy Công Vinh đã chạy, đã đi hết công suất. Chạy như thể ngày mai không được chạy. Sẽ có nhiều đánh giá khác nhau về cuộc đời cầu thủ của Công Vinh, nhưng có điều chắc chắn, không ai có thể phủ nhận đấy là một cuộc đời đầy nghị lực. Từ cái bóng sau lưng Văn Quyến, Thanh Bình ở Đội tuyển U.23 Quốc gia, Công Vinh dần dần trở thành số 1, và anh cũng là mẫu cầu thủ có khả năng giao tiếp, ứng xử tốt với truyền thông. Mặc dù chưa đưa ra những tuyên bố rõ ràng như Công Vinh, nhưng thông qua trang facebook cá nhân, các tuyển như Thành Lương, Đình Luật cũng đang úp mở khả năng chia tay Đội tuyển. Giải đấu năm nay, người "cận vệ già" Đình Luật mắc lỗi trong trận gặp Campuchia, còn lại thi đấu tròn vai, đĩnh đạc. Thành Lương chỉ là phương án 2 trong những chọn lựa của HLV Hữu Thắng ở vị trí tiền vệ biên. Nếu Đình Luật đã thực sự ở bên kia sườn dốc thì Thành Lương cũng chớm sang cái giới hạn của tuổi tác, nên không thể thi đấu nhanh, nhiệt, và giàu đột biến trong suốt 90 phút như vài năm về trước. Ngọc Anh |
Tác giả bài viết: Phan Đăng
Nguồn tin: