Tin địa phương

"Đối nghịch" tình cảnh giải ngân đầu tư công tại Cần Thơ: Dự án cán đích, dự án chật vật 0%

Trong khi nhiều dự án đầu tư công thuộc các lĩnh vực khác giải ngân vẫn chỉ 0%, hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn TP. Cần Thơ vẫn đạt tỷ lệ giải ngân cao, thậm chí cán đích như: dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án nâng cấp đường tỉnh 921, 934...

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của TP. Cần Thơ là hơn 9.700 tỷ đồng.

UBND TP. Cần Thơ vừa báo cáo công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Nhiều dự án giao thông sớm cán đích

Báo cáo nêu rõ tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 TP. Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ giao là 7.875,185 tỷ đồng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022. Đến nay, TP. Cần Thơ đã giao chi tiết 8.450,8 tỷ đồng, tăng 935,2 tỷ đồng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thu vượt xổ số kiến thiết…

“Ước giá trị giải ngân đến ngày 31/01/2024 dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giao chi tiết là 8.130,48 tỷ đồng, ước giải ngân đến ngày 31/1/2024 là 7.782,63 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,72% kế hoạch”, UBND TP. Cần Thơ đánh giá.

Qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 30/11/2023 giải ngân là 6.441,2 tỷ đồng, đạt 76,2% kế hoạch vốn thực hiện được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 81,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tuyệt đối, con số này tăng trên 2.100 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 19,22% về tỷ lệ.

Phân chia theo cấp quản lý, cấp thành phố có 29 chủ đầu tư giải ngân 4.705,4/6.421,3 tỷ đồng, đạt 73,28%. Cụ thể, có 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 75%, có 10 chủ đầu tư giải ngân từ 50-75%, có 05 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Cấp quận, huyện giải ngân 1.735,8/2.029,4 tỷ đồng, đạt 85,5%, gồm 08 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trên 80% kế hoạch vốn như: Cờ Đỏ, Ô Môn, Bình Thủy, Thôt Nôt, Thới Lai... UBND huyện Vĩnh Thạnh giải ngân 69,2% kế hoạch vốn.

Trong khi nhiều dự án đầu tư công thuộc các lĩnh vực khác như: trung tâm văn hoá Tây Đô, trường chính trị TP. Cần Thơ, cải tạo sở ngoại vụ... chưa giải ngân đồng vốn nào thì các dự án giao thông giải ngân cao, nhiều dự án hoàn thành 100% vốn giao.

Nhiều dự án giao thông tăng tốc giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 được giao.

Các dự án trọng điểm của trung ương trên địa bàn thành phố được ưu tiên giải ngân như: dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9.845 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn kế hoạch năm 2023 là 1.670 tỷ đồng, đã giải ngân gần tối đa (99,88%).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 37,42 km; trong đó, đoạn đi qua TP. Cần Thơ có chiều dài khoảng 13,8 km, qua 3 huyện là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đang triển khai các dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công. Dự án đường Vành đai phía Tây nối liền Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C là 1 trong 8 dự án trọng điểm do Sở Giao thông Vận tải thành phố làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm A loại dự án công trình đô thị với kế hoạch vốn năm 2023 được giao 778 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2023 đã giải ngân 77,6%.

Dự án có chiều dài toàn tuyến trên 19 km, trong đó điểm đầu giao với Quốc lộ 91 và Đường tỉnh 922, điểm cuối giao với Quốc lộ 61C, trên tuyến có 49 cây cầu.

Kết quả giải ngân 11 tháng đầu năm 2023 mặc dù có tăng so với các năm trước cả về giá trị và tỷ lệ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Qua rà soát, UBND TP. Cần Thơ đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Theo đó, nguyên nhân khách quan chủ yếu hiện nay là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt, hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA vẫn còn tiếp diễn. Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi vào triển khai thực hiện, rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Còn một số chủ đầu tư chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt.

Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.

Tìm nguồn tăng thu thừ đất, tập trung nâng cấp đường tỉnh, vành đai

Cũng trong văn bản này, UBND TP. Cần Thơ nhìn nhận rõ khó khăn trong việc cân đối và huy động nguồn vốn đầu tư trong năm 2024.

UBND TP. Cần Thơ cho rằng do khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản tại thành phố trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính còn nợ tiền thuế cao, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, từ đó, ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố.

Do vướng mắc trong quy định nên công tác định giá đất đề thu tiền sử dụng đất các dự án vốn ngoài ngân sách còn chậm, lộ trình thực hiện đầu giá các khu đất công do nhà nước quản lý chưa đạt yêu cầu, từ đó, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố.

Theo UBND TP. Cần Thơ, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 9.718,095 tỷ đồng, bằng 86,19% nhu cầu, cao hơn 1.842,910 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Để huy động nguồn vốn thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND TP. Cần Thơ cho biết sẽ hoàn thiện phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án huy động tài chính và tăng thu ngân sách TP. Cần Thơ giai đoạn 2023-2025.

Trong đó, tập trung huy động nguồn vốn đầu tư công như: bán đấu giá quyền sử dụng đất thuê, thu tiền sử dụng đất; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; rà soát các nguồn thu từ thuế dự kiến thu bổ sung thêm.

“Nguồn vốn huy động thêm sẽ tập trung đầu tư các dự án quan trọng, mang tính động lực, kết nối giữa các địa phương như: Đường vành đai phía Tây; nâng cấp, mở rộng các tuyến Đường tỉnh: 917, 918, 921, 923”, UBND TP. Cần Thơ nêu rõ.

Đề kịp thời khắc phục, đầy nhanh tiến độ thực hiện, phần đấu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn đã được bố trí, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP