Tại kỳ điều hành xăng dầu gần nhất hôm 19/8, giá xăng dầu bật tăng trở lại, trong đó tăng nhiều nhất là giá xăng E5 (975 đồng/lít); tiếp theo là xăng RON 92 (675 đồng/lít); dầu hoả tăng ít nhất 200 đồng/lít.
Điểm đáng lưu ý, trong kỳ điều hành này, giá xăng dầu tăng mạnh hơn so với dự báo trước đó của nhiều doanh nghiệp do có sự thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, theo đó, quy định thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên mức giá đầu ra (bao gồm cả các chi phí) thay vì chỉ tính trên giá nhập như trước đó.
Trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp, các vị này cho rằng, hiện đang tồn tại một số bất cập trong việc thực hiện Luật 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 106/2016/QH13. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối, việc sửa đổi bổ sung lần này về thuế tiêu thụ đặc biệt có những điểm khác biệt cơ bản về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn nào và có thể thời điểm này không được ban hành Thông tư nữa….
Sau khi nghiên cứu, doanh nghiệp thấy có những bất cập khi triển khai thực hiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Luật 106, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Đối với hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra.
Như vậy, đối với mặt hàng xăng thì nộp tại khâu bán ra và thuế tiêu thụ đặc biệt khâu nhập khẩu sẽ được khấu trừ.
Tuy nhiên, tại Nghị định 195/2015/NĐ-CP thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng trừ mặt hàng xăng, nghĩa mà mặt hàng xăng chỉ nộp tại khâu nhập khẩu.
Trong khi đó, Nghị định 100/2016/NĐ-CP lại quy định giống như Luật 106 là không loại trừ mặt hàng xăng, nghĩa là mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp tại đầu ra và thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào (khâu nhập khẩu) sẽ được khấu trừ như thuế giá trị gia tăng.
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia tài chính, am hiểu về các chính sách thuế, phí về xăng dầu phân tích: "Ngày xưa, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu tính theo giá nhập khẩu và bao gồm cả thuế nhập khẩu 10%. Tuy nhiên, theo Nghị định 100 về thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính trình Thủ tướng, lại yêu cầu xăng dầu phải tính theo giá bán ra bao gồm cả chi phí định mức, lợi nhuận định mức và các chi phí bán hàng khác khiến giá xăng dầu tăng thêm".
Vị chuyên gia này tính toán, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 80 - 90 đồng/lít tiền thuế.
"Như vậy, nếu thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá cơ sở hiện tại chưa đúng với quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định 100. Cụ thể chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt khâu nhập khẩu, chưa tính đến giá bán ra ngoài xã hội, tức là chưa tính thuế tiêu thụ đặc biệt của chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và bình ổn giá (nếu có)", chuyên gia này phân tích.
Tác giả bài viết: Phương Dung