Kinh tế

Doanh nghiệp xuất khẩu tất bật với đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng cho năm 2025, giúp tình hình sản xuất giai đoạn cuối năm 2024 càng thêm nhộn nhịp. Tuy nhiên, thách thức phía trước là điều các doanh nghiệp không thể lơ là.

Với đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024

Tất bật với đơn hàng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, sau giai đoạn thách thức vì dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn, kể từ quý IV/2024, đơn hàng quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả quý I và quý II/2025.

Trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đã gần lấp đầy đơn hàng cho quý I/2025 và chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý II/2025.

Trong tháng 11/2024, Công ty mẹ TCM đạt xấp xỉ 325 tỷ đồng doanh thu và 20,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 151% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM, chiếm tỷ trọng 35,91% doanh thu; đứng thứ hai là thị trường Mỹ, với 18,84%; các thị trường lớn khác như Nhật Bản (12,88%), Canada (8,48%), Trung Quốc (6,67%)…

Lũy kế 11 tháng 2024, TCM ghi nhận doanh thu 3.480,9 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 và thực hiện được 94% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 263,2 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng năm 2023 và vượt 63% kế hoạch năm.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), đơn đặt hàng từ Mỹ, EU phục hồi rõ nét trong quý IV/2024 - mùa cao điểm mua sắm cuối năm. TNG hiện đã có đủ đơn hàng cho quý I/2025, nhờ nhu cầu gia tăng từ các khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad. Dự báo, lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2025 sẽ cải thiện so với năm 2024.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), với đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47 - 48 tỷ USD.

Ở nhóm thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, tình hình xuất khẩu thủy sản cuối năm 2024 sôi động hơn so với các năm trước, vì xu hướng thị trường tốt trở lại. Trong đó, một số thị trường chính như Trung Quốc đang có nhu cầu gia tăng khi Tết Nguyên đán sắp tới.

Bên cạnh đó, đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, tích trữ hàng, bao gồm cả thủy sản trước khi chính sách thuế được áp dụng.

Trong tháng 11/2024, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt doanh thu 968 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu từ thị trường Mỹ là 298 tỷ đồng, tăng 40%; thị trường châu Âu là 163 tỷ đồng, tăng 32%; thị trường Trung Quốc là 80 tỷ đồng, tăng 32%.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), doanh số tháng 11/2024 đạt 18,38 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, FMC đạt doanh số 228,63 triệu USD, vượt kế hoạch cả năm là 210 triệu USD.

Trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) ước tính, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ có thể đạt 16,3 tỷ USD; nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ, tổng xuất khẩu toàn ngành ước đạt trên 17 tỷ USD.

Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành (mã GDT) cho biết, doanh nghiệp hiện đã có “của để dành” cho giai đoạn đầu năm 2025. Công ty vừa nhận một đơn hàng từ Hàn Quốc, giá trị xấp xỉ 1 triệu USD. Trước đó, trong tháng 10/2024, GDT nhận được đơn hàng khoảng 1 triệu USD từ khách hàng lâu năm tại Pháp, một phần của đơn hàng này trị giá xấp xỉ 250.000 USD được đối tác yêu cầu phải giao gấp trong 3 tuần giữa mùa cao điểm cuối năm 2024.

Nhận diện cơ hội và thách thức năm 2025

Nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản, đồ gỗ đang tất bật thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Bà Lê Hằng dự báo, thị trường xuất khẩu thủy sản đã trở lại quỹ đạo thông thường, nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2025.

Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ. Ngược lại, Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhập khẩu các mặt hàng cao cấp từ Mỹ, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm như tôm hùm, cua sống, nghêu sang nước này.

Dù thủy sản được đánh giá với nhiều gam màu sáng, nhưng bà Lê Hằng lưu ý, nguồn nguyên liệu đầu vào đối với ngành tôm và cá tra có thể sẽ thiếu hụt do nhu cầu gia tăng. Điều này khiến giá nguyên liệu tăng, trong khi giá bán xuất khẩu có thể không tăng tương ứng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.

Riêng ngành tôm, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã đưa ra phán quyết cuối cùng theo kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, DOC đưa ra mức thuế CVD cho ngành tôm Việt Nam là 2,84%.

Trước đó, FMC nhận định, nếu ITC cho rằng, mức hưởng lợi từ trợ cấp ảnh hưởng đến ngành tôm Mỹ, thì mức thuế 2,84% chính thức sẽ là một rào cản không nhỏ cho ngành tôm Việt ở thị trường này.

Đối với dệt may, VITAS nhận định, thách thức trong năm 2025 bao gồm việc giảm giá để cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng chưa ổn định và sự thay đổi liên tục trong hành vi mua hàng của khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực từ các quy định mới về xanh hóa sản xuất của các thị trường lớn. Nhiều khách hàng hiện nay không còn khuyến khích mà đã yêu cầu các nhà máy tham gia chuỗi cung ứng phải đạt tiêu chuẩn xanh, khiến doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, với chi phí không nhỏ.

VIFOREST cũng lo ngại, dù Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ (thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam) áp dụng với hàng hóa từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc; nhưng những thay đổi lớn của nước này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của ngành gỗ gia tăng, một số loại gỗ đang có giá nhập vào cao hơn 40% so với năm 2023; các yếu tố khác như giá cước vận tải biển, chi phí logistic cũng biến động mạnh.

Tác giả: Kiều Trang

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn

  Từ khóa: CVD , VIFOREST , GDT , FMC , TCM , Doanh nghiệp xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP