Kinh tế

Đo đếm lượng tiền Kho bạc Nhà nước gửi ngân hàng

Lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM đang được các NH ngân hàng quan tâm khai thác như một nguồn vốn ổn định.

Báo cáo tài chính quý 3/2018 của ba Ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV cho thấy, giá trị tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước đạt 218.562 tỷ đồng, tăng 48.777 tỷ đồng so với thời điểm tháng 6/2018. Đó là chưa kể tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Agribank và một số NHTM cổ phần khác như VIB, MBB,...

Theo quy định, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước và chỉ được gửi tại chi nhánh NHTM, nơi không không có Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tại các quận huyện, nhất là các huyện, nơi không có Ngân hàng Nhà nước, thì Kho bạc Nhà nước vẫn gửi tại chi nhánh NHTM, nhiều nhất là tại Agribank.

Đến hết tháng 9/2018, Agribank không công bố báo cáo tài chính, nên không biết được số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Nhưng ước tính là khá lớn, bởi Agribank có khoảng 600 chi nhánh tại các huyện, quận và thị xã trên cả nước.

Nhiều ngân hàng thương mại hưởng lợi lớn nhờ tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước (ảnh minh họa)

Lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM đang được các NH rất quan tâm vì đây là 1 nguồn vốn ổn định.

Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại NHTM là tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, được trả lãi suất không kỳ hạn, từ 1-2%/năm, trong khi đó, chỉ tính riêng khoản trái phiếu Chính phủ mỗi năm phát hành gần 200.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 4,2-5.9%/năm thì ngân sách phải chi khoản lớn để trả lãi. Trong khi đó, lãi suất gửi tiền tại NHTM không bù đắp được.

Chỉ tính riêng phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, vào ngày 31/10/2018 vừa qua, với số dư 100.000 tỷ đồng, mỗi năm Ngân sách Nhà nước phải trả chi ra trên 4.000 tỷ đồng trả lãi. Trong khi gửi các NHTM chỉ thu được khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn diễn ra, nguồn vốn vẫn thu về đều đặn. Khi nguồn vốn này không thể giải ngân nhanh và số tiền gửi các NHTM càng lớn.

Khi Kho bạc Nhà nước gửi tiền vào NHTM, khoản tiền này sẽ trở thành nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng. Theo tính toán của giới kinh doanh, mặc dù là tiền gửi thanh toán nhưng NHTM có thể sử dụng từ 25-30% trong số đó cho vay trung dài hạn với lãi suất cao mà không phải lo ngại. Chẳng hạn với số tiền 100.000 tỷ đồng, NHTM có thể cho vay trung dài hạn 30.000 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm.

Đặc biệt, với tiền thu được từ bán trái phiếu Chính phủ, khi gửi vào NHTM, các ngân hàng có thể lấy chính số tiền đó, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ kỳ tiếp theo. Khi trái phiếu Chính phủ thuộc sở của NHTM sẽ trở thành tài sản có thể mang cầm cố vay vốn hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước để lấy vốn kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng cần điều tiết lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước (ảnh minh họa - Quang Thắng)

Một mặt khác, việc Kho bạc Nhà nước gửi số tiền lớn tại các NHTM cho thấy hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công đang gặp trở ngại. Theo các số liệu, số vốn cho đầu tư công, dù được giải ngân tích cực hơn trong 3 tháng gần đây, nhưng tiến độ vẫn chậm, mới chỉ thực hiện được hơn một nửa kế hoạch trong 10 tháng đầu năm.

Các dự báo cho thấy, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước sẽ vẫn lớn tại các NHTM. Những NHTM có số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank,... đã và sẽ còn được hưởng lợi rất nhiều nhờ lãi suất thấp.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP