Vụ án tốn rất nhiều giấy mực này của báo chí có thể tóm tắt như sau: Năm 2009, đại gia Cao Toàn Mỹ và Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga quen biết nhau qua mạng xã hội. Bốn năm sau, Nga nhận 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ. Tuy nhiên, theo lời khai của hai bên, mục đích của việc chuyển và nhận số tiền này lại hoàn toàn khác nhau.
Ông Mỹ cho rằng đó là số tiền Nga chiếm đoạt khi anh ta nhờ cô mua giúp nhà giá rẻ (trong khi bản thân là doanh nhân, từng kinh doanh bất động sản còn Nga mới về Việt Nam được vài năm). Phương Nga lại cho rằng đó là thỏa thuận của bản hợp đồng tình ái giữa hai người. Và đó là nguyên nhân khiến họ phải lôi nhau ra tòa để giải quyết vụ án tình - tiền này.
Đại gia Cao Toàn Mỹ và kiều nữ Trương Hồ Phương Nga trong vụ án tình - tiền tốn nhiều giấy mực. (Ảnh: Internet) |
Còn nhớ, năm 1997, làng giải trí và người hâm mộ nước nhà đã không khỏi sốc khi nữ diễn viên nổi tiếng của dòng phim thị trường thời kỳ này là D.H (nữ diễn viên chính của nhiều bộ phim như Phạm Công, Cúc Hoa; Sơn thần thủy quái; Thạch Sanh…) bị người “chồng hụt” lừa gạt.
Hắn từng là kẻ giết người ở Hoa Kỳ, bị truy nã quốc tế nhưng sau thời gian trốn sang Đài Loan đã núp trong vỏ bọc của một Việt kiều thành đạt trở về nước, cưa đổ nàng “Cúc Hoa”. Ngày đính hôn giữa cô với “đại gia” cũng chính là ngày người tình “cao chạy xa bay” với viên kim cương giá trị lớn trong tay, để người đẹp phải chịu bao nỗi bẽ bàng từ dư luận.
Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, giới showbiz cũng như khán giả lại dậy sóng, tốn nhiều giấy mực cho báo chí với tính chất vụ việc tương tự. Lần này là với nữ nhân vật chính trong phim “Người đẹp Tây Đô” V.T . Do vướng vào hai đại gia (sau này bị tòa tuyên án tử hình vì tội Lừa đảo) khiến cô hứng chịu nhiều thị phi đến nỗi phải “mai danh ẩn tích” và mãi đến gần đây mới xuất hiện trở lại.
Hai vụ trên chưa phải con số cuối cùng. Còn nhiều vụ việc gắn liền với đại gia, kiều nữ mà lâu lâu chúng ta lại nghe truyền thông đưa tin. Các vụ án kể trên, tuy đối tượng, thời gian, quy mô, tính chất khác nhau nhưng đều có điểm chung là được đúc kết bằng hai chữ “tiền – tình”.
Người có tiền thì muốn tình, muốn có người đẹp nên bỏ bê vợ con, gia đình không từ thủ đoạn nào. Cuối cùng phải mất trắng, vướng vòng lao lý, thậm chí bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Còn người đẹp cũng không vui vẻ gì khi phải mang tiếng là ham tiền nên bị lao đao cũng là đáng đời, phải sống ẩn mình với lương tâm luôn bị dằn vặt.
Ai cũng được quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình nhưng không vì thế mà bất chấp mọi thứ dẫn đến vi phạm pháp luật. Nếu xem thường luật pháp, đạo lý gia đình thì chỉ nhận kết cục buồn mà thôi.
Với con người, tiền là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Hạnh phúc là khi có sự hòa hợp, cùng nhịp đập của hai trái tim. Bên cạnh đó là sự sẻ chia trách nhiệm, công việc, thấu hiểu người kia muốn gì chứ không phải cứ tung nhiều tiền là có thể mua được hạnh phúc.
Nếu chỉ cần dùng tiền để mua hạnh phúc, khi hết tiền sẽ thế nào? Nếu tình yêu đích thực gặp sóng gió cuộc đời, họ sẵn sàng cùng nhau vượt qua bão táp. Còn tình yêu được tính bằng tiền thì nó cũng chỉ như những con số trên tờ giấy bạc, tiền hết thì tình cũng tan theo mây khói.
Nếu mối quan hệ tình cảm được xây dựng trên nền tảng vật chất thì nó cũng chỉ mong manh như những tờ giấy bạc mà thôi. Có thể thấy, trong mắt không ít người, tình yêu bây giờ không còn là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” mà là sự toan tính, vụ lợi. Họ đến với nhau cũng vì lợi nhuận xem được gì và mất gì. Như vậy làm sao bền vững?
Những câu chuyện về đại gia và người đẹp sớm muộn cũng sẽ đi đến hồi kết. Xét về luật pháp, họ đã vi phạm chế độ một vợ một chồng trong luật Hôn nhân và gia đình. Còn về mặt đạo đức xã hội, đạo lý vợ chồng thì khó có người thắng, kẻ thua bởi ai cũng sẽ chịu không ít thị phi, đàm tiếu của người đời.
Những vụ án tình - tiền giữa “kiều nữ”, đại gia thể hiện sự suy đồi đạo đức ở một số người có lối suy nghĩ tiền mua được mọi thứ kể cả tình cảm. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh thực trạng hiện nay có những người lợi dụng “vốn tự có” của mình để đổi lại cuộc sống hưởng thụ, sung sướng mà không phải tốn công sức lao động.
Câu chuyện đại gia, người đẹp trên đây tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho những ai thích kiểu quan hệ đổi chác “tình – tiền”. Mặt khác, đây cũng là bài học đắt giá, không hề lỗi thời dù ở thời điểm nào và sẽ không loại trừ ai nếu mắc sai lầm. Bất cứ việc làm nào không đi đôi với lý trí, sự suy tính kỹ lưỡng sẽ phải trả giá đắt cả về danh dự, tinh thần, thể xác, thậm chí bằng cả tính mạng của mình.
Đừng để mọi chuyện xảy ra rồi lại đổ cho hoàn cảnh mà hãy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vì không ai bắt ép được bản thân mình phải làm gì.
Vụ án trên tuy chưa khép lại hoàn toàn nhưng hy vọng nó là một bài học đắt giá dành cho những ai đã và đang “lạc lối”, hãy suy nghĩ kỹ, sửa chữa sai lầm trước khi quá muộn.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tác giả: Quang Châu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin