Khách tham quan, mua sắm tại một điểm du lịch ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Những tồn tại này khiến VN là địa điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách nhưng khách đã đến thì ít khi trở lại.
Ham cái lợi nhỏ
Dẫn rất nhiều khách đoàn đến các vùng xa xôi của Tổ quốc, ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, tiếc rẻ vì cung cách làm du lịch của nhiều nơi rất ngắn hạn, chụp giật nên đã không giữ được chân khách. "Cách Hà Nội chưa đến 100km mà một hộp bánh đậu xanh từ 25.000 đồng lại được bán với giá 60.000-70.000 đồng", ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, hiện nay đang có tình trạng chia chiết khấu cho hướng dẫn nội địa quá cao dẫn đến các điểm bán quà tặng du lịch luôn neo giá trên trời. Ngay như Phú Quốc, nhiều điểm bán ngọc trai sẵn sàng chia chiết khấu cho hướng dẫn viên đến hơn 20%, vô hình trung đẩy giá sản phẩm địa phương quá cao, du khách dù rất thích ngọc trai nhưng họ ít khi chấp nhận mức giá không tương xứng với chất lượng sản phẩm như vậy.
Có dịp đi nhiều nơi ở VN, ông Trần Thế Dũng cho biết thêm không chỉ bán giá trên trời mà nhiều nơi còn không giữ được chất lượng sản phẩm tốt như ban đầu. Cách đây nhiều năm, người đi du lịch nào đến Đồng Văn cũng tranh thủ mua mật ong bạc hà. Tuy nhiên, khi lượng khách đông thì mật ong trở nên kém chất lượng, toàn pha đường thay cho mật ong thật. Cung cách làm ăn của nhiều địa phương du lịch VN khiến du lịch cứ bị trì trệ và dường như họ cũng không thể thay đổi chính mình.
Tránh phân biệt đối xử
Anh Đỗ Ngô Trần (người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở TP.HCM) kể có lần ngồi uống cà phê bệt ở công viên 30-4 (TP.HCM), anh chứng kiến một khách du lịch nước ngoài phải phân trần mãi với người bán hàng rong rằng chỉ mua 2 trái bắp mà giá tới 50.000 đồng, mới hôm qua cũng mua 2 trái nhưng chỉ trả 10.000 đồng.
Trong 5 lần đến phố đi bộ Nguyễn Huệ vào buổi tối, đã 2 lần anh thấy có du khách bị móc túi hoặc bị giật đồ... Còn chuyện đeo bám du khách để xin tiền hay mời mua hàng diễn ra hằng ngày, dễ thấy nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. "Những vụ việc phiền lòng như thế cứ lặp đi lặp lại", anh Đỗ Ngô Trần chia sẻ.
Chị Thúy Vân, gắn bó với ngành du lịch, cũng thừa nhận mời một vị khách đến TP.HCM không khó nhưng để họ quay lại lần sau thì e là không đơn giản. Bởi một thực tế, đâu đó còn thiếu sự "thân thiện" với khách phương xa.
"Tôi chứng kiến nhiều trường hợp, người bán hàng VN lỡ thật thà nói giá với người nước ngoài bằng giá với khách trong nước thì bị những người xung quanh chê bai, tỏ ra tiếc rẻ vì mất cơ hội kiếm lời!", chị Vân kể.
Theo chị Vân, đi nhiều nơi, mới thấy cái khác biệt giữa cách làm du lịch của nhiều người Việt và những nước khác chính là "ánh mắt". Người dân các nước không nhìn khách du lịch bằng một ánh mắt khác với người địa phương. Họ không có những bảng giá riêng cho khách trong nước, ngoài nước.
Theo chị Vân, chúng ta đang nói đến những bài toán to lớn. Trước khi chờ những chính sách hoạch định từ các nhà quản lý để thay đổi, chị Vân cho rằng cần làm sao để mỗi người dân nhận thức rằng mình đang là "đại sứ du lịch" của thành phố! Để không còn những câu chuyện nhếch nhác, chặt chém, vì lợi nhỏ mà đuổi khách.
Đơn giản hóa quy định
Anh Đỗ Thái Hưng, hướng dẫn viên du lịch thị trường nước ngoài của công ty du lịch V, cho biết muốn du khách chi tiêu thì mặt hàng, dịch vụ phải đa dạng, phong phú và phải giữ uy tín. Điều này ở VN mới có vài nhãn hiệu làm được, chủ yếu là cà phê hoặc ẩm thực, chứ thời trang hay sản phẩm lưu niệm không nhiều.
Ngay các siêu thị VN, đa số không có thông tin bằng tiếng Anh. Quà tặng lưu niệm VN mang tính truyền thống thì quá đơn điệu. Buổi tối muốn đi xem các chương trình giải trí ngoài một vài chương trình mang nặng tính nghệ thuật thì không có thêm chương trình giải trí thuần túy nào, thế nên hầu như ban đêm khách đi dạo là chính.
"Tôi thấy sản phẩm nghỉ dưỡng, spa VN có thể làm tốt nhưng lại làm chưa tới nên chất lượng dịch vụ không bằng Thái Lan", anh Hưng so sánh.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, một cái lúng túng nữa là khâu quảng bá của VN. Những nước làm du lịch thành công như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đã quảng bá gì, đến vùng đất đó khách sẽ dễ dàng được đáp ứng dịch vụ.
Ví dụ một du khách xem tin tức liên quan Thái Lan, họ thấy có dịch vụ cưỡi voi. Khi đến Thái Lan, họ có thể cưỡi voi ngay tại thành phố mà không phải lên núi như mình tại Bản Đôn.
Hay như câu chuyện hoàn thuế. Việc hoàn thuế dù không đáng bao nhiêu, nhưng với những du khách tiêu xài kỹ tính, họ vẫn rất quan tâm. "Dù một số nước thủ tục hoàn thuế khá phức tạp nhưng có luật rõ ràng, trung tâm hoàn thuế cũng khang trang nên khách vẫn vui. Trong khi ở VN, dù tôi là một hướng dẫn viên du lịch nhưng các quy định, thủ tục hoàn thuế cho du khách đến VN vẫn khá lúng túng", anh Hưng nói.
Kiểm soát nạn chặt chém Theo anh Đỗ Ngô Trần, đã đến lúc ở TP.HCM cần có cảnh sát du lịch, giống Thái Lan. Một số nước đã làm và thành công để kiểm tra, bảo vệ an toàn và quyền lợi cho du khách, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch như các trường hợp đeo bám du khách để xin tiền hoặc mời mua hàng với giá quá cao so với quy định, kịp ngăn chặn hành vi hành hung du khách. VN bị cảnh báo bởi nạn làm giả Sản phẩm hướng dẫn cho khách du lịch đến VN hiện rất nghèo nàn, chủ yếu là giới thiệu các điểm du lịch riêng rẽ, khách nước ngoài đa số sử dụng hướng dẫn của Lonely Planet. Với quà tặng là tem sưu tầm và tiền giấy thì tạm ổn nhưng tiền xu sưu tầm lại hết sức lộn xộn và có nhiều hàng giả, chú thích sai. Đây là vấn đề mà nhiều diễn đàn về du lịch nước ngoài đã đề cập và cảnh báo cho người muốn đến VN. Bộ bưu ảnh còn phải xin giấy phép xuất bản, còn những sản phẩm thế này thì thả nổi. Không những làm giả mà tiền xu giả còn gắn những niên hiệu tiền Trung Quốc vào. Nhiều mẫu của người bán hàng rong còn lấy cả xu của các trung tâm game rồi chú thích là 2 hào VN năm 1976! Giá của những bộ này lại rất cao. Cần siết chặt quản lý quà lưu niệm là tiền xu. Với các thể loại sách lịch sử, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để có những cuốn sách đúng chuẩn. Anh N.V.Đ. (một bạn đọc tham gia diễn đàn) |
Tác giả: NHƯ BÌNH
Nguồn tin: tuoitre.vn