Tin địa phương

Đến 2020, 90% công nhân lao động ở Cần Thơ có trình độ THPT

Hiện tại, có 144.846/283.435 công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Cần Thơ có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương.

Sáng 2-7, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, ký văn bản gửi văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn TP Cần Thơ về việc hỗ trợ tuyên truyền nội dung báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập" giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn TP.

Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, sau 5 năm thực hiện đề án nêu trên, tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ đạt tỉ lệ là 99,70%, tăng 0,63% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 99,5%); tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 người biết chữ đạt tỉ lệ là 98,95 %, tăng 3,09% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 98,00%); số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ trở lại và 822/946 người, đạt tỉ lệ là 86,89% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 90%); 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (tăng 72 xã, phường, thị trấn), tỉ lệ 100% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 100%).

Đối với công nhân lao động: Có 144.846/283.435 công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương, đạt tỉ lệ là 51,10% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 90%); 163.456/283.435 công nhân lao động qua đào tạo nghề, đạt tỉ lệ là 57,67% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 95%)…

Đánh giá kết quả thực hiện đề án, UBND TP Cần Thơ cho rằng Thành ủy, HĐND, UBND TP đã quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát động, xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời ban hành các chỉ thị, quyết định, văn bản chỉ đạo các các ngành, địa phương triển khai thực hiện. UBND TP Cần Thơ đã đầu tư kinh phí đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; đào tạo cán bộ, công chức; dạy nghề cho nhân dân lao động. Thực hiện có hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (các phong trào tương trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", tuyên dương học sinh giỏi, biểu dương gia đình hiếu học,…; xây dựng xã hội học tập đã góp phần duy trì, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ cũng đưa ra những tồn tại, yếu kém trong quá trình thực hiện đề án như: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, chủ doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân (nhất là những người hết tuổi lao động) về việc xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời chưa đầy đủ, chưa nhận thức được đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận người lao động chưa thấy được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời nên chưa quan tâm đến việc học và nâng cao trình độ; việc bố trí, sắp xếp thời gian cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn chưa được chú trọng…

Tác giả: CÔNG TUẤN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP