Những ngày qua, dư luận tại Cần Thơ bỗng quan tâm đến vụ đập đền thờ thành hoàng và cũng là địa chỉ đỏ ở khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.
Đập đền, phường không hay biết
Rạng sáng 11-5, người dân địa phương đang ngon giấc thì bị dựng dậy bởi tiếng máy nổ ì ầm của đoàn xe ủi, xe gầu múc chạy rầm rầm về hướng đền Xẻo Kè.
Người dân chưa kịp hiểu chuyện gì thì chỉ trong tích tắc đoàn xe đã ủi sập điện thờ chính, múc bật trơ gốc những cây xanh quanh đền. Cây bồ đề gần 50 tuổi trước đền cũng bị ủi, bứng. Đáng kể nhất là gốc đa đến ba người ôm mà người dân Cái Răng trồng từ thời chống Mỹ với ý tưởng, biểu tượng hướng về Việt Bắc, cũng bị ủi bật gốc. Sau khi thành bình địa, trên nền đền xưa hiện ra những khối móng lớn được làm bằng rỉ mật và đá ong rắn chắc.
Điều đáng nói là cuộc đập phá diễn ra suốt nhiều giờ trong sáng 11-5 nhưng lãnh đạo địa phương không hề hay biết. Chỉ đến khi PV Pháp Luật TP.HCM khẩn báo thì lãnh đạo địa phương mới thốt lên: “Có chuyện đập đền, phá cây đa Tân Trào hả?”.
Ngôi đền Xẻo Kè có lịch sử 200 năm và cảnh quan xung quanh đã bị đập phá hoàn toàn. Ảnh: Nam Hải |
Hai bên từng thống nhất
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, đoàn người, xe đập đền Xẻo Kè là của Công ty CP Nam Long - Hồng Phát (Công ty NL-HP, chủ đầu tư khu dân cư (KDC) lô 8C thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ).
Theo các tài liệu, đền Xẻo Kè nằm trong khuôn viên đất của gia đình họ Đào, một gia đình có truyền thống cách mạng ở Cần Thơ. Trước năm 2010, khu đất này nằm trong quy hoạch dự án KDC lô 8C thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ do Công ty NL-HP làm chủ đầu tư.
Gia đình ông Đào Quang Từ chấp hành chủ trương giao lại một phần đất để thực hiện dự án. Đồng thời, gia tộc họ Đào xin giữ lại diện tích 2.000 m2 nơi ngôi đền cổ tọa lạc để xây dựng khu lưu niệm, truyền thống, lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử cách mạng vùng sáu xã ven sông Hậu.
Trong văn bản thỏa thuận, ông Từ và Công ty NL-HP thống nhất cùng có trách nhiệm trùng tu, sửa chữa .
Ngày 7-6-2011, lãnh đạo Công ty NL-HP giao cho gia đình ông Từ bộ hồ sơ đo đạc địa chính xác định diện tích phần đất còn lại của gia tộc họ Đào, trong đó phía Công ty NL-HP ký xác định bảy cột mốc ranh giới đất. “Chúng tôi không yêu cầu bồi thường đối với phần đền và giữ lại làm nơi thờ thành hoàng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nhớ công cách mạng cho cả cộng đồng!” - ông Từ nói.
Theo ông Từ, cũng trong năm 2011, ông giám đốc công ty thời đó còn mang heo quay đến đền khấn vái hứa là sẽ trùng tu, sửa chữa đền. Do quá tin tưởng lãnh đạo của công ty, ông Từ ký vào biên bản xác nhận hoàn tất việc bồi thường và nhận số tiền hơn 8,2 tỉ đồng. “Coi lại hồ sơ, tôi tá hỏa, họ đã gài cả phần bồi thường đất, tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc trên đất và cả ngôi đền vào!”.
Các bô lão cùng các vị Hội Cựu chiến binh phường Hưng Thạnh chụp ảnh lưu niệm khi cúng đền Xẻo Kè. Ảnh: Nam Hải |
Được bồi thường nhưng dân nói không biết
Ngày 23-3-2016, UBND TP Cần Thơ có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 KDC lô 8C, thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ. Tuy nhiên, quyết định không nhắc gì đến phần diện tích 2.000 m2 cũng như ngôi đền Xẻo Kè như thỏa thuận trước đó giữa gia tộc họ Đào và Công ty NL-HP.
Theo ông Từ, đến khoảng tháng 5-2017, gia đình ông Từ bất ngờ nhận được thông báo thu hồi mặt bằng trên diện tích 2.000 m2, có cả đền Xẻo Kè. “Họ đã cố tình lừa tôi, đưa gộp tất cả vật kiến trúc, có cả đền Xẻo Kè vào bồi thường nhưng tôi không nhận ra. Gần sáu năm sau, họ đưa thông báo yêu cầu giao 2.000 m2 đất thì tôi khiếu nại, đồng thời cũng phát hiện họ đã bồi thường vật kiến trúc là ngôi đền và buộc tôi phải tự tháo dỡ!” - ông Từ nói.
Kiện chưa xong, bên chủ đầu tư đã đập
Sau khi nhận được thông báo, ông Từ liên tục gửi đơn khiếu nại.
UBND TP Cần Thơ đã có nhiều văn bản yêu cầu Công ty NL-HP tạm dừng thi công tại phạm vi khu đất có vị trí đền Xẻo Kè. Cạnh đó, TP giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ thông tin tư liệu, các nội dung liên quan đến quá trình lịch sử hình thành khu đền; căn cứ quy định xác định rõ yếu tố lịch sử văn hóa truyền thống và xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ về lịch sử cách mạng tại đây.
Ngày 13-9-2017, Văn phòng UBND TP Cần Thơ ra Văn bản 3062 với nội dung: UBND TP thống nhất điều chỉnh đưa phần diện tích 2.000 m2 ra khỏi phạm vi dự án và giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Cái Răng tiến hành điều chỉnh quy hoạch đô thị khu vực. Cạnh đó, việc trùng tu đền Xẻo Kè phải thực hiện theo đúng cam kết trước đây giữa hai bên.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Công ty NL-HP đã có đơn khởi kiện yêu cầu gia đình ông Từ tháo dỡ đền Xẻo Kè, giao đất để công ty thực hiện dự án. Đến tháng 7-2018, TAND quận Cái Răng đã tuyên buộc gia đình ông Từ phải tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc của đền Xẻo Kè di dời đến nơi khác. Ông Đào Quang Từ và gia đình đã kháng cáo bản án sơ thẩm nói trên và yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ.
Trong khi Tòa phúc thẩm TAND TP Cần Thơ đang xem xét, giải quyết vụ án thì Công ty NL-HP cho người, xe đến đập phá đền Xẻo Kè.
Lý lẽ của đại diện chủ đầu tư Sáng 14-5, trả lời Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Tuấn Khanh, đại diện chủ đầu tư là Công ty NL-HP, cho rằng dự án đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt thì chủ đầu tư tự thương lượng, thỏa thuận với người dân để giải phóng mặt bằng. Phía gia đình ông Từ có 10.000 m2 nằm trong dự án, trong đó công ty đã thương lượng bồi thường xong gần 8.000 m2 đất, vật kiến trúc, có cả đền thờ tín ngưỡng dân gian. Phần đất 2.000 m2 còn lại theo phê duyệt của UBND TP Cần Thơ thì đang được gia đình họ Đào quản lý. Gia đình đã nhận tiền và có biên bản bàn giao thực địa được chính quyền xác nhận. “Do có đền tín ngưỡng nên doanh nghiệp muốn gia đình tự nguyện tháo dỡ, tuy nhiên gia đình không thực hiện nên công ty mới khởi kiện ra tòa giải quyết. Quá trình giải quyết vụ án, đại diện phía bị đơn (gia đình họ Đào) có biên bản tại tòa cho rằng phía bị đơn không thuộc đối tượng phải thực hiện vì đền là của nhân dân. Vì vậy, phía công ty đã thực hiện tháo dỡ đền để lấy mặt bằng, đồng thời rút đơn khởi kiện gửi đến tòa ngày 13-5 và tòa đã nhận đơn. Để tránh chậm tiến độ dự án thiệt thòi cho doanh nghiệp, công ty đã tháo dỡ đền” - luật sư Khanh nói. Cũng theo luật sư Khanh, đến nay không có quyết định hay văn bản pháp luật nào xác định đền Xẻo Kè là di sản, di tích theo quy định của pháp luật. Tại Điều 3 của Công văn 3062 ngày 13-9-2017 của Văn phòng UBND TP Cần Thơ về việc giải quyết kiến nghị của ông Đào Quang Từ có nêu: “Về việc trùng tu phải xây mới đền Xẻo Kè, đề nghị thực hiện theo đúng cam kết trước đây với chủ đầu tư”. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty NL-HP, cho rằng doanh nghiệp không có cam kết nào với gia đình ông Từ, mà có chăng cũng chỉ là lời nói miệng. Đồng thời, ông Tùng cho rằng công văn của TP giải quyết chỉ gửi cho ông Từ nên phía công ty không biết gì. Từ đền thành hoàng đến địa chỉ đỏ Theo tư liệu đề nghị xác nhận di tích lịch sử được Sở VH&TT tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt thì miếu Xẻo Kè (sau này gọi là đền Xẻo Kè) đã có hơn 200 năm do các bậc tiền bối khai hoang lập ấp dựng lên để thờ thành hoàng cho cả vùng đất Cái Răng hiện nay. Người nắm giềng mối xuyên suốt là tổ phụ dòng họ Đào (cụ Đào Sâm, cha cụ Đào Văn Quyện, là trụ cột của thế hệ nối tiếp và nay là ông Đào Quang Từ). Trong phong trào kháng Pháp đầu thế kỷ 20, đây là nơi đi về của những nghĩa sĩ thuộc Thiên Địa Hội (do Phan Xích Long (1893-1916) thành lập), Kèo Xanh-Kèo Vàng (Thiên Địa Hội do Phan Xích Long thành lập). Phía sau miếu Xẻo Kè là gia đình tổ phụ họ Đào, là nơi chiêu mộ, huấn luyện nghĩa binh… Miếu Xẻo Kè, là nơi thờ linh thiêng, ngày càng trở thành lò luyện lửa thiêng, luyện ý chí chống giặc Pháp. Theo quyển Lịch sử Đảng bộ xã Phú An 1930-1975 của Đảng bộ Phú An, miếu Xẻo Kè cùng với chùa Mương Dâu, miếu Phú Trung do nhân dân và các bậc kỳ lão, sĩ lập ra đã thành mạng lưới cơ sở cách mạng bí mật suốt thời kỳ lịch sử trên. Từ 1930 đến 1945, miếu trở thành địa chỉ đỏ, cơ sở mật để các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đi về an toàn, hội họp, học tập, huấn luyện, chỉ đạo phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi để hộp thư mật, chôn giấu vũ khí suốt thời kỳ đánh Mỹ. Đặc biệt những năm 1954-1960, Mỹ-Diệm khủng bố dã man, nhân dân đã nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ chu toàn những cán bộ bị truy lùng, chưa một ai bị địch bắt. |
Tác giả: NAM GIAO - HẢI DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM