Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, việc phát triển hệ thống giao thông và cảng biển là cần thiết để tạo đà cho việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL vì “điểm nghẽn” của vùng hiện nay là cơ sở hạ tầng giao thông.
Theo ông Thể, cuối năm nay, dự kiến tàu 20.000 tấn sẽ đi vào cảng Cái Cui ở Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản của ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài thông qua kênh Quan Chánh Bố nối từ cửa biển Trà Vinh vào sông Hậu.
Từ đó, dọc sông Hậu sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp, cộng với lượng công nhân dồi dào tại địa phương sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, ông Thể cho rằng, đó chỉ là kế hoạch trước mắt, còn định hướng lâu dài thì Chính phủ và các bộ ngành nên nghiên cứu xây dựng cảng lớn ngoài biển đặt ở Sóc Trăng với tổng vốn gần 6.000 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ xây dựng đường dẫn từ bờ ra biển, ngang 16m với 4 làn xe, dài 5km, đến vị trí đó ở độ sâu -15 m sẽ đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 – 300.000 tấn cập bến. Còn kinh phí xây dựng cầu cảng là 2.000 tỷ đồng.
Vấn đề này, ông Thể phân tích, luồng kênh Quan Chánh Bố công suất thiết kế tối đa khoảng 20 triệu tấn hàng hóa/năm và có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn vào. Tuy nhiên, chỉ có 1 tàu vào được, còn khi hai tàu qua lại cùng lúc sẽ gặp khó, phải phân luồng.
Hơn nữa, lượng hàng hóa của ĐBSCL xuất trực tiếp ra nước ngoài hiện nay là trên 20 triệu tấn/năm. Sắp tới, khi các nhà máy than hoàn thành sẽ xuất khẩu trên 10 triệu tấn/năm ra vào,, vì vậy luồng kênh này sẽ dẫn đến quá tải, chưa kể, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài đi nữa.
Còn Cảng Trần Đề được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng là cảng cá khu vực ĐBSCL nên cho dù có mở rộng quy mô thì cũng chỉ là cảng cá, không thể thay thế hàng hóa được. Vì thế, ông đề xuất xây dựng cảng cá lớn ngoài biển ở Sóc Trăng không chỉ giảm tải cho luồng Kênh Quan Chánh Bố mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… xuất khẩu hàng hóa dễ dàng, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển và cả phát triển du lịch nữa.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cảng biển của vùng thiếu đồng bộ, chưa có cảng nước sâu. Vì thế, 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL muốn xuất khẩu ra nước ngoài phải trung chuyển lên TPHCM, chủ yếu bằng đường bộ.
Vì thế, dẫn đến tăng áp lực đường bộ, tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh. Hơn nữa, tỷ trọng đầu tư vào vùng với khoảng 16% và lưu lượng vận tải thấp nên nhà đầu tư không mặn mà. Từ đó, về lâu dài phải nghiên cứu xây dựng cảng biển nước sâu để vươn ra quốc tế. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính phối hợp các địa phương rà soát các công trình trọng điểm để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Lê Đỗ Mười, Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ triển khai đầu tư 23 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 18.006 tỷ đồng. Trong đó, có 18 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 16.914 tỷ đồng, gồm các dự án: Luồng tàu biển lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố; cảng Đồng Tháp, cảng Hậu Giang, cảng Trà Cú… Đồng thời, nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia; xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây của vùng. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng. |
Tác giả bài viết: Hòa Hội