Kinh tế

Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Vốn được xem là một trong những “van điều tiết” giá xăng dầu nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng cao, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG) âm cả trăm tỷ đồng và không có tác dụng. Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi mới đây, Bộ Tài chính đề xuất bỏ QBOG và điều tiết theo giá thị trường.

Điều tiết giá xăng dầu theo thị trường

Tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng QBOG. Lí giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, gắn với quy định đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu nên hoàn toàn, có thể xem xét bỏ QBOG, giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường.

“Sau khi bỏ QBOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định”, dự thảo Luật Giá sửa đổi nêu rõ.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ủng hộ bỏ QBOG. Ảnh: Q.N

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng QBOG.

“Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, cơ quan chức năng sử dụng các công cụ khác như thuế để ổn định giá xăng dầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ QBOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ QBOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập QBOG 300 đồng. Việc trích lập quỹ sẽ do liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tại kỳ điều hành giá xăng dầu. Trong quý I/2022, do giá xăng dầu liên tục tăng, QBOG âm gần 170 tỷ đồng.

Không phát huy tác dụng

Đánh giá về QBOG, TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, về cơ bản, QBOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Quỹ hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”. Mục tiêu của quỹ nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, tính toán của chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, việc có quỹ hay không cũng không có tác dụng.

“Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2022, có 56 lần điều chỉnh giá, xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi. So sánh của chúng tôi cho thấy, việc sử dụng QBOG cũng không khác so với không có quỹ. Vì vậy, việc bỏ QBOG là cần thiết để giá xăng dầu sát với thị trường”, TS Phạm Thế Anh phân tích.

Thời gian qua quỹ bình ổn giá xăng dầu không phát huy hiệu quả. ẢNH: Như Ý

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), xăng dầu cần sớm tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường. Ông Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý, nếu có thể can thiệp điều tiết, bù giá thì chỉ nên dựa vào ngân sách, thông qua việc giảm thu các khoản phí, thuế từ xăng dầu.

“Bản chất QBOG là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Khi giá xăng dầu tăng cao, phần quỹ đã được tạm ứng cho vào giá, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp. Khi giá xăng cao, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu âm quỹ cả trăm tỷ đồng. Vì vậy đề xuất bỏ QBOG phù hợp với thực tế”, ông Tuấn nói.

Tác giả: Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP