Tin địa phương

Đề xuất bỏ gửi xe miễn phí tại bệnh viện: "Bước lùi" của Thành phố đáng sống?

UBND TP Đà Nẵng đã họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành TP thông qua một số nội dung quan trọng cho kỳ họp HĐND sắp tới. Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận là đề xuất bãi bỏ việc miễn phí gửi xe đạp, xe máy tại các bệnh viện công!

“Xét lại” chủ trương miễn phí gửi xe tại các bệnh viện công lập?

Việc miễn phí gửi xe đạp, xe máy tại các bệnh viện (BV) công lập là sáng kiến do ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đưa ra, được kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 12/2010 ra Nghị quyết chuẩn thuận và UBND TP Đà Nẵng triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2011, đến nay đã có 23 BV công lập trên toàn TP tham gia.

Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho hay, mỗi năm TP bỏ ra 4,6 tỉ đồng để thực hiện chủ trương miễn phí gửi xe tại các bệnh viện công lập (Ảnh: HC)

Đây được xem là một chủ trương hết sức nhân văn của chính quyền Đà Nẵng dành cho các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo.

Tuy nhiên tại cuộc họp của UBND TP Đà Nẵng ngày 13/6 để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND TP giữa năm 2017, đã có một số ý kiến đề xuất bãi bỏ một chủ trương từng gắn liền với danh hiệu “Thành phố đáng sống” mà nhiều người ưu ái dành cho Đà Nẵng.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng, giai đoạn 2011 – 2016, ngân sách TP đã hỗ trợ các BV và trung tâm y tế quận, huyện không thu phí giữ xe khoảng 27, 5 tỉ đồng; bình quân mỗi năm gần 4,6 tỉ đồng. Vấn đề là một số bãi giữ xe tại các BV lớn như BV Đà Nẵng, BV Phụ sản-Nhi hiện rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất không được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Nhiều bãi giữ xe không có mái che, người dân phải để xe ngoài trời mưa nắng…

Vì lý do đó, Sở Tài chính Đà Nẵng đề xuất bãi bỏ chủ trương nêu trên. Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng đồng tình, nhưng cho rằng việc bãi bỏ miễn phí gửi xe tại các BV công lập cần có lộ trình để vừa đúng theo nghị định của Chính phủ về vật giá, vừa đảm bảo hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo, chứ không nên đột ngột làm ngay lập tức vì có nhiều gia đình bệnh nhân phải ra vào BV mỗi ngày năm, bảy lần; nhiều người bệnh lâu năm phải thường xuyên đến BV thăm khám…

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Hưng cũng cho rằng đề xuất thu tiền gửi xe ở các BV công lập là hợp lý, do “người bệnh đi khám gửi xe ở BV thì ít mà gửi ké thì nhiều” trong khi gánh nặng kinh phí chi trả cho nhân viên các bãi giữ xe và nhiều khoản khác thì ngân sách TP phải chịu. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, đây là vấn đề nhạy cảm nên thời điểm điều chỉnh chủ trương miễn phí gửi xe tại các BV công lập cần phải được tính toán kỹ.

Tỏ ra rất thận trọng, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng Thái Bá Cảnh cho rằng TP chưa nên bãi bỏ miễn phí gửi xe đạp, xe máy tại các BV ngay ở thời điểm hiện nay, và cần tiến hành thăm dò dư luận trước khi triển khai thực hiện. Ông cho rằng TP chỉ nên thu một phần kinh phí để hỗ trợ, sửa chữa cơ sở vật chất, bến bãi...; phần còn lại TP nên tiếp tục miễn cho các bệnh nhân.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, mục đích của quy định miễn phí gửi xe tại các BV là để hỗ trợ các bệnh nhân, nhưng có thực tế là chủ trương này đang bị nhiều đối tượng khác lợi dụng. Không chỉ người nghèo mà người giàu cũng vào BV gửi xe miễn phí, không chỉ bệnh nhân mà người đi chơi cũng đem xe vào gửi ké, thậm chí không ít đối tượng tội phạm cũng đưa xe trộm cắp vào đây để tạm, khiến cho chính các bệnh nhân và người nhà của họ lại không có chỗ gửi xe ở BV.

" "
Từng gặp nhiều phản ứng trái chiều

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chủ trương miễn phí gửi xe tại các BV công lập của Đà Nẵng bị đưa ra xem xét. Trước đó, năm 2014, chính quyền TP Đà Nẵng cũng từng chủ trương thu tiền trở lại tại các bãi giữ xe ở các BV công lập. Theo đó, việc thu phí 2.000 đồng/xe máy và 1.000 đồng/xe đạp không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà mỗi năm còn thu về gần 15 tỉ đồng, bổ sung nguồn kinh phí để TP đầu tư cho sự nghiệp y tế, ưu tiên bổ sung vốn nâng cấp cơ sở, trang thiết bị khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế xã phường...

Tuy nhiên dự định này đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy chỉ vài ngàn đồng gửi xe nhưng với các bệnh nhân nghèo, hay các bệnh nhân phải nằm viện dài ngày, người thân mỗi ngày năm, bảy lượt ra vào chăm sóc thì tổng chi phí cho việc gửi xe là cả gánh nặng đối với họ, nhất là với những người thậm chí không đủ ăn để nằm điều trị bệnh.

Theo một số ý kiến khác, mỗi ngày vài ngàn đồng để gửi xe tuy không lớn nhưng mang ý nghĩa nhân văn, một nét riêng có của Đà Nẵng. Nếu TP tiếp tục thực hiện chủ trương này sẽ rất tốt. Việc thu lại tiền gửi xe không phải là điều quá quan trọng về giá trị vật chất nhưng lại là điều rất đáng tiếc cho một chủ trương lớn mang tính chia sẻ với người bệnh trong mọi hoàn cảnh, chứ không riêng chuyện “đói nghèo”, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế người bệnh.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao cho chủ trương nhân văn này được áp dụng đúng người, đúng đối tượng để không tạo gánh nặng lên ngân sách. Cần tìm ra cơ chế phù hợp để tiếp tục chia sẻ với các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo, trong khi ý thức chung của người dân chưa đồng đều.

Nên chăng, các BV công lập ở Đà Nẵng áp dụng hình thức “thẻ ra vào BV” đối với các bệnh nhân và người nhà của họ? Theo đó, với các bệnh nhân được xác nhận là hộ nghèo sẽ được BV cấp một loại thẻ riêng, màu đỏ chẳng hạn; còn các bệnh nhân khác được cấp thẻ màu xanh.

Khi bệnh nhân hay người nhà của họ có nhu cầu ra vào BV thì sẽ sử dụng thẻ này để gửi xe. Người có thẻ màu đỏ được miễn phí hoàn toàn; người có thẻ màu xanh được miễn phí một nửa; còn những người không có thẻ (khách vào thăm người bệnh, các đối tượng không phải bệnh nhân hay người nhà của họ nhưng đem xe vào gửi ké…) thì phải trả phí đầy đủ.

Như vậy các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, sẽ được hưởng lợi thực sự từ chủ trương nhân văn của TP, trong khi các đối tượng khác không thể lợi dụng chủ trương này để trục lợi riêng. Đồng thời ngân sách TP cũng sẽ giảm một phần gánh nặng, có thêm nguồn kinh phí trang trải cho nhân viên giữ xe và nâng cấp cơ sở vật chất các bãi giữ xe.

Và điều quan trọng là để Đà Nẵng không phải bị mang tiếng đi một “bước lùi” trên hành trình “Thành phố đáng sống”!

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP