Kinh tế

Đề xuất bán nhà ở xã hội theo hình thức thương mại

Một số doanh nghiệp, chuyên gia bất động sản (BĐS) đề xuất bán nhà ở xã hội theo hình thức thương mại, giảm bớt thủ tục pháp lý.

Trước bối cảnh nhà ở xã hội có chỗ thừa không ai ở, chỗ thiếu không có để mua và Ngân hàng nhà nước dự thảo loại đối tượng vay mua nhà ở xã hội ra khỏi nhóm khách hàng được vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại;

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát (Hải Phát Land) lo ngại thị trường này đã thiếu hàng giờ thiếu cả vốn.

Xếp hàng mua nhà ở xã hội (ảnh minh hoạ)

Ông Giang cho hay, từ trước đến nay, ngân hàng thương mại rất có kinh nghiệm trong việc cho vay thuê, mua nhà ở xã hội. Với gói vay 30 nghìn tỷ mua nhà ở xã hội, trước đây các ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục nhanh chóng. Nếu "siết" quy định này thì người nghèo rất khó để tiếp cận với nhà ở.

Do đó, ông Giang đề xuất Ngân hàng nhà nước không "siết" đại trà mà giữ lại những ngân hàng thương mại đã có kinh nghiệm cho vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ trước đây để tháo gỡ cho người dân tiếp cận vốn vay mua nhà.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, muốn phát triển nhà ở xã hội cần phải bỏ cơ chế "xin - cho", chuyển sang cơ chế thị trường. Nghĩa là thay vì nhà nước quy định về giá bán cụ thể từng dự án, phê duyệt từng đối tượng, khu vực, nhóm nhà... thì nay chuyển sang mua bán thương mại tự do theo nhu cầu. Người mua nhà có tự thoả thuận với chủ đầu tư về giá, tự chọn căn, vị trí theo mong muốn. Nhà nước chỉ quy định giá khung sàn.

Ông Điệp lấy ví dụ: Nhà nước quy định dưới 20 triệu là nhà ở xã hội thì tất cả nhà bán dưới 20 triệu mặc định là nhà ở xã hội và được hưởng những chính sách của nhà ở xã hội.

Cũng theo vị Phó chủ tịch này, bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư nói chung, nhà nước cũng cần quan tâm đến hoạt động việc làm cho người dân ở những nơi định cư định cư mới.

"Có câu "an cư lạc nghiệp", nghĩa là họ an cư rồi thì phải có việc để làm. Có thể mức thu nhập ở khu tái định cư đó không bằng khu nhà ở trước đây nhưng ít nhất cũng được khoảng 50-70% so với chỗ ở cũ, như thế đời sống người dân mới ổn định. Lấy ví dụ như ngay bản thân tôi, nếu như tôi đang sống trong phố cổ, thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng; chuyến đến khu tái định cư, nhà ở xã hội mới cũng phải có nguồn thu khoảng 5-7 triệu thì tôi mới ở. Bảo tôi chuyển tái định cư nhưng đến đó thất nghiệp, xa chỗ làm thì tôi lấy gì sống?", ông Điệp nêu quan điểm.

TS.Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương thì cho rằng, với đề xuất trên, bản chất trở lại với câu chuyện nhà thương mại giá rẻ và muốn có ưu đãi.

Cơ chế này đối với doanh nghiệp thì có lợi nhưng không đúng về mặt quản lý nhà nước, dễ bị lợi dụng. Đáng nhẽ nhà bán ưu đãi cho dân nhưng lại bán cho những nhà đầu tư f1, f2... thì rất khó quản lý.

Tuy nhiên, ông Thành cũng ủng hộ việc đơn giản hoá thủ tục trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Tác giả: Nam Việt

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP