Giáo dục

Đề thi THPT Quốc gia 2018 được ra dựa trên rà soát ma trận đề năm 2017

Đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở rà soát ma trận đề thi THPT quốc gia năm 2017, thực hiện bổ sung điều chỉnh phù hợp với phương án đã công bố.

Từ ngày 24 đến 27/6 sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Đề cập đến công tác bảo mật cho đề thi năm nay, ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ GD-ĐT) cho biết, công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối ở tất cả các khâu.

Đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở rà soát ma trận đề thi THPT quốc gia năm 2017, thực hiện bổ sung điều chỉnh phù hợp với phương án đã công bố.

Đề thi THPT Quốc gia 2018 được ra dựa trên rà soát ma trận đề năm 2017 (ảnh minh họa)

Ma trận đề thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đảm bảo phù hợp với hình thức thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời, tăng cường phân hóa kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp.

Theo ông Nam Nhật Minh, căn cứ ma trận đề thi, Bộ đã xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Bộ GD-ĐT quy định, các hội đồng thi có trách nhiệm in sao đề thi cho tất cả các điểm thi thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng thi có thể ký hợp đồng in sao đề thi với hội đồng thi khác hoặc các trường ĐH có đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc in sao đề thi.

Cho đến nay, toàn bộ ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi của hội đồng thi của địa phương mình.

Hơn 4.000 thanh tra “cắm chốt” tại tất cả các điểm thi

Điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm nay là mỗi Hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra (1 của địa phương, 1 của trường đại học phối hợp) do Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi (ảnh minh họa)

Như vậy cả nước sẽ có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi. Bên cạnh thanh tra cắm chốt, Sở GD-ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra lưu động.

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, ở các khu vực khó khăn hoặc chỗ nào phát sinh vấn đề thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt. Đồng thời, Bộ GD-ĐT quy định mỗi Sở GD-ĐT phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, xác định thanh tra là hoạt động quan trọng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho 63 Sở GD-ĐT, thành lập các đoàn thanh tra cả 3 khâu: chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi.

Về công tác chuẩn bị, Ban chỉ đạo thi của Bộ và Thanh tra tổ chức nhiều đoàn làm việc trực tiếp tại địa phương để kịp nắm bắt tình hình, kịp thời có những chỉ đạo trực tiếp và chỉ đạo chung thống nhất trong toàn quốc. Về coi thi, Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra theo khu vực, đồng thời cũng tổ chức đường dây nóng thu thập thông tin, phối hợp các đoàn thanh tra.

Về chấm thi, Bộ cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. Hai cán bộ thanh tra này được trưng tập từ các trường đại học. Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Theo chia sẻ của Chánh Thanh tra Nguyễn Hữu Bằng, chống gian lận thi cử là một trong những nhiệm vụ được Thanh tra Bộ tiếp tục chú trọng trong năm 2018.

Để làm tốt công tác này, Thanh tra Bộ đã phối hợp chặt chẽ với A83, Bộ Công an chỉ đạo PA83 các địa phương tập huấn cho giám thị coi thi trong việc phát hiện gian lận thi, đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao.

Bên cạnh đó, trong quá trình diễn ra kỳ thi, Thanh tra Bộ GD-ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với A83 để cơ quan này kịp thời có những chỉ đạo nóng theo ngành dọc với lực lượng PA83 tại các địa phương để xứ lý nhanh những tình huống bất ngờ.

“Hiện trên thị trường đang bán rất nhiều những thiết bị thông minh được ngụy trăng bằng máy tính (có ghi âm, ghi hình), cải trang qua thẻ ATM, tai nghe siêu nhỏ... Khi sử dụng các thiết bị đó, người sử dụng sẽ có những dấu hiệu không bình thường. Do vậy, nếu thí sinh sử dụng, giám thị nghiêm sẽ phát hiệu được yếu tố bất thường”, ông Huy Bằng chia sẻ./.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP