Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản trả lời Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ về việc bổ sung vật liệu san lấp Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1, tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 1527/QĐ BTNMT ngày 9/6/2023; hiện tại, đang trong quá trình triển khai xây dựng và chưa đi vào vận hành.
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ kiến nghị thí điểm cho sử dụng hỗn hợp tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) hoặc sử dụng cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng làm vật liệu thay thế cát san lấp Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1. |
Việc Công ty đề nghị bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san nền khu vực Dự án không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Việc bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san nền khu vực Dự án phải thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật được ban hành tại Quyết định số 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp”; thực hiện các biện pháp, công trình đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng vật liệu nêu trên để san nền khu vực Dự án và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ cần 9 triệu mét khối cát san lấp nhưng nguồn cát khan hiếm, nên doanh nghiệp đề xuất dùng tro xỉ. Ảnh Quang Tạ |
Trước đó, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã có báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, hiện nay một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án là vấn đề thiếu vật liệu cát san lấp mặt bằng khu công nghiệp.
Nguyên nhân là do có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai dẫn đến thiếu nguồn cung ứng vật liệu cát, nên đơn giá vật liệu cát tăng cao đột biến (đơn giá dự kiến là 125.000 đồng/m3, nhưng hiện nay giá cát là 280.000 - 300.000 đồng/m3), tổng khối lượng cát san lấp Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) theo chủ đầu tư - Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ dự kiến khoảng 9 triệu m3.
Tình hình khan hiếm cát san lấp không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) mà còn ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, suất đầu tư tăng, dẫn đến giá thành cho thuê tăng, giảm mức độ cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp so với các dự án ở các tỉnh, thành khác.
Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ kiến nghị UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét: Chỉ đạo các địa phương lân cận đưa ra đấu giá, khai thác các mỏ cát để tăng nguồn cung cát cho các dự án.
Bên cạnh đó, thí điểm cho Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) sử dụng hỗn hợp tro xỉ (tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) hoặc sử dụng cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng làm vật liệu thay thế cát san lấp cho Dự án.
Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố về quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản (khai thác cát) trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư chủ động nguồn cát san lấp phục vụ các dự án trọng điểm.
Tác giả: Ngọc Phạm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn