Qua khảo sát của nhà chức trách, văn miếu còn lại cổng tam quan phía trước nằm sát bên con đường liên thôn tại xóm Đông Văn. Cổng cao gần 5 m, rộng 1 m.
Cổng được thiết kế theo kiểu chồng diêm, ba tầng tám mái. Phía trước là cửa vòm, xung quanh xây tường bằng vật liệu vôi, vỏ hàu, trần mái đổ khung tre trát vôi vữa kết dính.
Trước mặt cổng được khắc và kết dính bằng chữ đá. Hiện chữ Hán đã mai một, rêu phong bám phủ.
Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, kiến trúc văn miếu trước kia được thiết kế rất đồ sộ, bao gồm cổng tam quan, nhà bái đường rộng 5 gian, phía trong là nhà tả vu và hữu vu, trong cùng là nhà thượng điện 3 gian hai hồi. Gian chính đặt tượng nho nhánh Khổng tử, hai gian tả hữu đặt tượng tứ phối. Hiện trên các khu đất này nhà cửa của dân đã mọc lên san sát.
Các bệ đá thanh cổ nguyên khối được khắc tiện, phía dưới hình vuông, mặt trên hình trụ tròn để kê các chân cột. Hiện các trụ này được đưa ra đặt bên bờ rào cạnh đường liên thôn.
Các cụ cao niên trong vùng cho hay, bao quanh văn miếu là hệ thống thành lũy đất, cao khoảng 2 m. Khu vực này hiện là đồng ruộng để bà con canh tác, sản xuất.
Ở phía trên thành lũy, vẫn còn một vài gốc đa cổ thụ sót lại. "Trước kia, những năm chiến tranh, nhiều gia đình đã sơ tán đến đây khoét lũy làm nhà", ông Tuấn (48 tuổi, trú xã Kỳ Tân) nói.
Cách văn miếu khoảng 150 m về phía đông có một hồ chèo, hình chữ nhật, nay trở thành ruộng lúa.
Phía nam cách văn miếu khoảng 200 m có một quả đồi vuông vức, nay khu vực này đã bị san bằng, cây cối mọc lên um tùm.
"Văn miếu trước kia thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, nhằm giáo dục truyền thống học tập cho con em trong vùng", Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Lê Bá Hạnh nói và cho hay chính quyền huyện Kỳ Anh đang làm hồ sơ để công nhận di tích, khôi phục lại hệ thống văn miếu này.
Tác giả bài viết: Đức Hùng
Nguồn tin: