Pháp luật

Dấu hiệu 2 tội danh trong vụ nổ súng sát hại bạn gái ở Hải Phòng

Theo luật sư, tội giết người sẽ được áp dụng nếu xác định H. nổ súng sát hại nạn nhân. Hành vi sử dụng trái phép vũ khí cũng được xem xét xử lý căn cứ kết quả điều tra.

Chiều 24/10, lực lượng chức năng TP Hải Phòng nhận tin báo về việc chị L.T.L.D. (29 tuổi, ở huyện An Dương, Hải Phòng) tử vong tại nhà bạn trai tên T.H.H. (37 tuổi). Trên đầu chị D. có vết thương, nghi bị bắn.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định H. là nghi phạm nổ súng sát hại nạn nhân.

Nếu kết quả điều tra xác định H. là hung thủ, nghi phạm sẽ bị xử lý ra sao?

Hiện trường vụ án cô gái tử vong trong phòng ngủ.

Luật sư Ngô Văn Thạnh (Công ty Luật The Light) đánh giá đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại về con người, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ nhận định ban đầu, cơ quan chức năng cần tiếp tục củng cố chứng cứ, xác định chính xác hung thủ để xử lý theo quy định.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, ông Thạnh cho biết súng là hung khí nguy hiểm. Đầu là vùng trọng yếu trên cơ thể. Việc sử dụng hung khí có tính sát thương cao để tấn công vào vùng đầu của người khác là hành động nguy hiểm, đủ khả năng tước đoạt tính mạng nạn nhân ngay lập tức.

Luật sư cho rằng với một người trưởng thành và có đầy đủ năng lực hành vi, họ phải ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi này. Trong trường hợp ý thức được hành vi nhưng vẫn cố tình thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người.

Theo khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức án đối với người phạm tội là 7-15 năm tù. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung tại khoản 1 Điều này như có tính chất côn đồ hay vì động cơ đê hèn... mức án cao nhất cho người phạm tội sẽ là tử hình.

Về việc có xử lý thêm nghi phạm H. về tội sử dụng trái phép vũ khí hay không, ông Thạnh đánh giá trên thực tế, đây là vấn đề pháp lý còn gây nhiều tranh cãi, chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc áp dụng pháp luật để xử lý trong các tình huống như vụ việc này tùy thuộc vào quan điểm và nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Dưới góc độ cá nhân, luật sư cho rằng theo nguyên tắc thu hút tội danh, tội mạnh hơn sẽ thu hút tội yếu hơn trong trường hợp một hành vi có dấu hiệu của nhiều tội. Do đó, chỉ nên xử lý nghi phạm H. về tội giết người. Trường hợp này, súng được coi là phương tiện phạm tội, việc nghi phạm sử dụng súng có thể coi là tình tiết để xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cũng cho rằng tội Giết người có thể được áp dụng nếu xác định H. là nghi phạm dùng súng sát hại nạn nhân. Ngoài ra, ông cho rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng được sử dụng là vũ khí thô sơ hay vũ khí quân dụng, từ đó xác định chế tài tiếp theo đối với người này.

"Pháp luật nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày. Mọi hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Tiền bình luận.

Nếu khẩu súng là vũ khí thô sơ, người vi phạm có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng theo khoản 4, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp người dùng súng từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc trước đó đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ theo Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp khẩu súng sử dụng là vũ khí quân dụng, nghi phạm H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.

Để tìm hiểu thêm về "Điều 123, 304, 306 Bộ luật Hình sự", độc giả có thể tham khảo cuốn Bộ luật Hình sự của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP