Giáo dục

Dấu ấn 5 năm ngồi 'ghế nóng' của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Trong nhiệm kỳ 5 năm (2016- 2021), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhiều chỉ đạo, quyết sách lớn giúp giáo dục Việt Nam thăng hạng, đổi mới chương trình bắt kịp quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sinh ngày 3/6/1963 tại Hưng Yên, học hàm giáo sư, tiến sĩ ngành kinh tế. Năm 2016, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng GD&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước khi về Bộ GD&ĐT công tác, ông từng trải qua chức vụ hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội...

Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nỗ lực thực hiện nhiều đổi mới nâng chất lượng của ngành giáo dục giúp bức tranh giáo dục Việt Nam có nhiều cải cách và khởi sắc.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2

Trước khi Bộ trưởng Nhạ nhậm chức, Chính phủ ban hành đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020 được triển khai gần 10 năm song kết quả chưa rõ ràng. Bộ trưởng Nhạ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị đưa ra thêm nhiều giải pháp để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong các trường phổ thông ở Việt Nam.

Sau 5 năm nỗ lực, tiếng Anh thực sự trở thành phần quan trọng trong giáo dục phổ thông và đại học, điển hình như: Bộ GD&ĐT ban hành Khung trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 6 được ban hành dần thay thế các chứng chỉ tiếng Anh A, B, C không thực chất; các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; các cuộc thi Olympic tiếng Anh được mở ra hàng năm...

Sửa đổi Luật Giáo dục

Bộ GD&ĐT thực hiện tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục 2019. Luật sửa đổi giúp tháo gỡ được những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Điển hình là các chính sách liên quan đến tự chủ đại học được tháo gỡ. Hầu hết các trường thực hiện tự chủ đều bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018.

99% phổ cập giáo dục

Nếu như năm 2014 cả nước mới có 18 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thì năm 2017 tất cả các địa phương hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tính hết năm 2020, cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh/thành phố đạt mức độ 3. Giáo dục THCS đạt chuẩn phổ cập mức độ 1, trong đó 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ 2 ASEAN (sau Singapore).

Chương trình, sách giáo khoa mới

Năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình Quốc hội phương án xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là lần đầu tiên sau 18 năm (tính từ năm 2000 cải cách giáo dục) Việt Nam có một chương trình giáo dục phổ thông hoàn thiện, theo tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế.

Chương trình phổ thông mới theo hướng chuyển từ truyền đạt một chiều nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chương trình giải quyết được căn bản những hạn chế, bất cập như: áp lực học tập, thiếu kĩ năng mềm, chú trọng điểm số, phụ thuộc vào sách giáo khoa, thiếu trải nghiệm thực tế...

Nhằm thực hiện tốt chương trình mới, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương lựa chọn sử dụng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục thực hiện chủ trương này, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành sách giáo khoa; tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Việt Nam tăng thứ hạng

Trong 5 năm qua, giáo dục Việt Nam đạt nhiều thành tích đột phá như: Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,08%, đứng ở top đầu khối ASEAN; chất lượng giáo dục tiểu học đứng số 1 các nước ASEAN ở cả 3 năng lực: đọc hiểu, viết, toán học.

Tại kỳ thi Olympic quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 Việt Nam đạt 54 huy chương vàng, tăng gấp đôi số huy chương vàng so với giai đoạn 2011 - 2015.

Lần đầu tiên Việt Nam có 4 đại học vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới; 11 trường nằm trong danh sách 500 đại học hàng đầu châu Á.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công phòng chống dịch COVID-19 ở các trường học. (Ảnh: Hà Cường)

Đổi mới kiểm tra và thi THPT

Năm 2015, Bộ GD&ĐT chủ trương gộp 2 chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào thành một gọi là kỳ thi THPT quốc gia.

Sau 2 năm triển khai với nhiều điểm chưa hợp lý. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau khi nhậm chức đã cải cách rút gọn kỳ thi THPT, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm; kỳ thi được tổ chức ngay tại địa phương, thí sinh không phải tập trung về các thành phố lớn giảm áp lực thi cử và tốn kém cho xã hội.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nhạ chỉ đạo thành công nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, tạo thuận lợi cho xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh kết quả, thành tựu ngành giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn hội đồng trường còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò.

Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Một số hạn chế khác từng được Bộ trưởng Nhạ chỉ ra về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

Tác giả: HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP