Tin địa phương

Đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển TP Cần Thơ

Trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ với lãnh đạo các trường đại học (ĐH) trên địa bàn thành phố mới đây, bên cạnh những kết quả trong đầu tư các nguồn lực, mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo; các trường mong muốn có sự hỗ trợ hơn nữa từ Trung ương, địa phương để công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt hiệu quả hơn nữa.

“Đầu tàu” đào tạo nguồn nhân lực

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ.

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ; 2 cơ sở ĐH là Phân hiệu của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH FPT thuộc Tập đoàn FPT. Các trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư lâu dài từ Trung ương và địa phương, cũng như chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục ĐH.

Điển hình như Trường ĐH Cần Thơ, được Chính phủ xác định là một trong 19 trường ĐH trọng điểm của quốc gia, có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Trường đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ của cả nước, đặc biệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL, với TP Cần Thơ là trung tâm. Hiện nay, trường đang đào tạo 84 ngành trình độ ĐH (gồm 117 chương trình đào tạo), 72 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Quy mô đào tạo ĐH và sau ĐH hơn 41.700 người. Mỗi năm, trường có khoảng 10.000 tân cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ; cung ứng nguồn nhân lực lớn, có trình độ cao.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, TP Cần Thơ và trường có mối quan hệ hợp tác trong thời gian dài và toàn diện về nhiều lĩnh vực; đã ký hợp tác lần thứ nhất giai đoạn 2008-2015 và ký lại lần thứ hai cho giai đoạn 2020-2025. Trong 5 năm qua (2018-2023), Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện 20 đề tài được thành phố cấp tổng kinh phí 11,5 tỉ đồng, trong đó đang triển khai 6 đề tài với tổng kinh phí hơn 3,6 tỉ đồng. Suốt 15 năm qua (2008-2022), trường đã góp phần đào tạo khoảng 24.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho TP Cần Thơ. Nếu tính riêng năm 2022, số lượng người học có hộ khẩu tại TP Cần Thơ chiếm tỷ lệ từ 26-28% ở cả 3 trình độ đào tạo trong tổng quy mô tuyển sinh của trường.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành lập cuối năm 2002, được đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phát triển. Trường có 820 viên chức, người lao động, với 35,3% giảng viên có trình độ tiến sĩ và tương đương. Trường là một trong những đơn vị giáo dục ĐH thực hiện tự chủ tài chính thành công của nước ta; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, cung ứng hàng chục ngàn bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, góp phần đáng kể bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế vùng ĐBSCL và cả nước. Hiện nay, quy mô đào tạo của trường khoảng 12.000 sinh viên ĐH và 4.700 học viên sau ĐH. Tính đến năm học 2022-2023, trường đã ký kết hợp tác toàn diện với 9/13 tỉnh thuộc ĐBSCL, hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết với 22 bệnh viện, cơ sở thực hành trong TP Cần Thơ, ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập cũng đang khẳng định vị trí trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Đơn cử như Trường ĐH Nam Cần Thơ sau hơn 10 năm thành lập đã ổn định bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, với hơn 19.000 học viên, sinh viên. Trường đã đào tạo trên 8.000 cử nhân, kỹ sư, trong đó hơn 95% có việc làm ổn định. TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết: “Tập thể nhà trường luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trường xác định nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động là xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành và chương trình đào tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Trường ĐH Nam Cần Thơ có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên xanh - sạch - đẹp nổi bật trong các trường ĐH khu vực ĐBSCL. Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục luôn được cải tiến và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Đầu tư để phát triển mạnh mẽ

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế vùng ĐBSCL và cả nước.

Chiến lược phát triển được các trường ĐH ở TP Cần Thơ xây dựng phù hợp với đơn vị; song nền tảng vẫn là nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quản trị ĐH… để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ cho toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của các trường, cần có sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, hỗ trợ tích cực từ địa phương về cơ chế chính sách.

Đơn cử Trường ĐH Cần Thơ đang xây dựng đề án để phát triển thành Ðại học Cần Thơ với mô hình tổ chức của ĐH công lập đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức hiệu quả cao và năng lực tài chính vững mạnh; đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí hợp lý nhất; phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước để trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ cho sự phát triển và xây dựng mạng lưới các trường ĐH vùng ÐBSCL… GS.TS Nguyễn Thanh Phương đề xuất: “Nhà trường mong muốn thành phố ủng hộ chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ; điều chỉnh lại văn kiện hợp tác giữa thành phố và trường với các nội dung phù hợp với tình hình mới của thành phố. Đồng thời xem xét, có ý kiến với các đơn vị và bộ ngành liên quan về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (2% học phí) cho các trường công lập trên địa bàn thành phố để công bằng với các trường ĐH công lập ở các địa phương khác chưa phải đóng”.

Tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, mục tiêu phát triển là trở thành trường ĐH định hướng ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, có hệ thống quản trị ĐH tiên tiến, đạt chuẩn chất lượng và xếp hạng trong các trường ĐH hàng đầu khu vực. Hiện tại, trường đã thực hiện tự chủ về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư mua sắm tài sản theo Luật Đầu tư công và các văn bản phân cấp của Bộ Y tế đã ban hành; hoàn thành việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1:500 dự án đầu tư xây dựng trường; đã phê duyệt và đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng thuộc giai đoạn 2 từ nguồn vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường đến năm 2030 với mức 1.800 tỉ đồng. Ngoài ra, năm 2023 Bộ Y tế quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ hướng đến trường ĐH trọng điểm quốc gia (giai đoạn 1). Do vậy, trường rất cần sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực, chính sách từ Trung ương và địa phương để đạt mục tiêu trên.

Trong khi đó, Trường ĐH Nam Cần Thơ từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt top đầu của hệ thống giáo dục ngoài công lập của cả nước; đến năm 2030 trở thành trường ĐH đa ngành, đa bậc học, đa lĩnh vực, đạt top 20 tại Việt Nam, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Bên cạnh nỗ lực đầu tư, lãnh đạo nhà trường đề xuất thành phố được hỗ trợ về đất đai, sử dụng đất thuê; xin chủ trương quy hoạch Dự án Khu đô thị mới - Nhà ở giảng viên, Khu du lịch sinh thái và Viện dưỡng lão tại tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền…

* * *

Những đề xuất, kiến nghị của các trường được đoàn công tác của Thành ủy Cần Thơ ghi nhận và sớm có chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan đồng hành cùng các trường giải quyết theo đúng quy định, với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết Trung ương luôn quan tâm đầu tư chiến lược, phát triển cơ sở hạ tầng cho TP Cần Thơ và ĐBSCL; từ đó tạo nền tảng để các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục… của TP Cần Thơ phát triển, xứng tầm trung tâm vùng ĐBSCL. Thành phố mong muốn các trường ĐH đồng hành trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cao ở các lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị vững vàng phục vụ phát triển thành phố, ĐBSCL và cả nước. Thành phố đang quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ bên cạnh nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Mong rằng các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn có định hướng đào tạo, phát triển các chuyên ngành theo chuyển dịch cơ cấu của thành phố...

Tác giả: B.Kiên

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP