“Phức tạp, tồi tệ và sợ hãi” là những từ mà tiến sĩ Bernd Liedtke mô tả về tình hình hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông lưu ý rằng những cuộc đảo chính trước đó ở Thổ Nhĩ Kỳ đều được lên kế hoạch rất chi tiết, kỹ lưỡng và đều thành công. Nhưng lần này, âm mưu đổ chính quyền ông Erdogan bị dập tắt.
“Cách mà ông Erdogan phản ứng với cuộc đảo chính, sa thải hàng ngàn thẩm phán và công tố viên khỏi hệ thống tư pháp, đưa ra bản án tử hình với những “kẻ phản bội”, như ẩn chứa ý đồ của riêng ông”, tiến sĩ Bernd Liedtke nói.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng muốn thay đổi hiến pháp của đất nước nhưng không thành do không được sự đồng thuận của đa số thành viên nghị viện.
“Vì thế ông ấy lợi dụng cuộc đảo chính này để thay đổi hiến pháp năm 1982 của Thổ Nhĩ Kỳ và thông qua ý tưởng về một chế độ chuyên quyền. Ông ấy đang thực hiện điều đó”, tiến sĩ nói.
Ông cũng thêm rằng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu Ankara áp dụng lại hình phạt tử hình, gây quan ngại trong cộng đồng các nước EU.
Có nhiều quốc gia EU không ưa Thổ Nhĩ Kỳ và từng công khai chỉ trích nước này, không muốn họ gia nhập EU. Việc áp dụng lại hình phạt tử hình sẽ khiến các quốc gia đó càng có thêm lý do để gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi danh sách ứng viên chính thức để kết nạp thành viên EU.
Tiến sĩ Liedtke cảm thấy đáng tiếc cho triển vọng phát triển kinh tế và chính trị giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên cũng đã từng liên kết với nhau thông qua việc cho phép hơn 3 triệu người Thổ sống tại Đức.
Ông cũng đưa ra đánh giá về tình hình sau đảo chính tại căn cứ quân sự Mỹ ở Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), gọi đó là một điều nguy hiểm. “Quân đội của một quốc gia thành viên NATO đã tạm thời mất kiểm soát. Là đồng minh quân sự, NATO không cho phép điều đó xảy ra”, ông nói nhưng nhận định rằng NATO sẽ không buộc Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi liên minh.
Tiến sĩ Liedtke lưu ý rằng chiến thắng của ông Erdogan trong vụ đảo chính sẽ trở thành sự thất bại đối với nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kết luận: “Nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ là một nền dân chủ khiếm khuyết, và bây giờ nó tiếp tục tổn thương nên sẽ không còn nhiều chuyện để nói về dân chủ”.
Đồng tình với những quan điểm trên, Andrzej Zapalowski, chính trị gia người Ba Lan cho rằng những kẻ âm mưu đảo chính đã có cơ hội thanh trừng Tổng thống Erdogan khi ông đang ở trên máy bay nhưng họ đã không làm như vậy.
Theo ông, “những điều chúng ta đang thấy có thể chỉ là một màn kịch do chính ông Erdogan tạo ra nhằm củng cố quyền lực và loại bỏ những đối thủ trong quân đội, những người ủng hộ và bảo vệ chủ nghĩa thế tục chính thống”, bởi vì ông Erdogan luôn theo đuổi ý tưởng về một Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo.
Cuộc binh biến ngày 15/7 có thể gây ra những hậu quả đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tiên là với EU khi mâu thuẫn giữa khối và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng. Thêm vào đó, một câu hỏi đặt ra là Thổ Nhĩ Kỳ có mở cửa để đưa những người di cư vào EU hay không.
Một điều nữa là vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ hai trong liên minh, sau Mỹ. Và nếu đất nước này bị “Hồi giáo hóa” thì tình hình sẽ càng thêm căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là trong cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran để giành vị thế dẫn đầu trong khu vực, ông Zapalowski lưu ý.
Ông cũng cho biết thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ việc can thiệp quân sự vào xung đột ở Syria, trong khi đó lực lượng quân đội của nước này có tư tưởng đi ngược lại động thái đó, vì thế nhiều khả năng mâu thuẫn sẽ tiếp tục leo thang.
Tác giả bài viết: Danh Tuyên