Đặc biệt, tính đến 30/6/2016, Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới 32.995 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 26.683 tỷ đồng, giảm được 416 tỷ đồng so với cuối 2015.
Nợ vay 26.683 tỷ đồng gồm các khoản vay tín dụng và trái phiếu, trong đó có 12.343 tỷ đồng là vay ngắn hạn sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày 30/6/2016, và 14.340 tỷ đồng vay dài hạn.
Cơ cấu các khoản vay thì trái phiếu là 13.791 tỷ đồng, chiếm tới 50%, gồm 2.230 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, hoán đổi cho Northebrooks Investment và 11.561 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước.
Chuyển hướng từ bất động sản sang lĩnh vực nông nghiệp chưa đem lại hiệu quả cho công ty của bầu Đức. Ảnh minh họa: Minh Đức.
Trái phiếu phát hành là hình thức cấp tín dụng theo kiểu “bơm một cục” nhanh và thoáng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ khi họ không quản lý, giám sát được hoạt động sử dụng vốn của đơn vị phát hành.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện vẫn là chủ nợ lớn nhất của HAGL, với số tiền 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.
Chủ nợ lớn thứ hai của HAGL là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), với tổng số tiền 3.928 tỷ đồng, trong đó có 3.128 tỷ đồng cho vay dài hạn và 800 tỷ đồng sở hữu trái phiếu.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) là chủ nợ lớn thứ 3 của HAGL, với 3.000 tỷ đồng cho vay dưới hình thức trái phiếu.
Chủ nợ lớn thứ tư là đối tác nước ngoài Northebrooks Investment (một thành viên của Tập đoàn Temasek, Singapore) hiện đang sở hữu 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi tại HAGL.
Tiếp theo là Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, số tiền cho vay là 2.181 tỷ đồng.
Một chủ nợ lớn khác là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank) với số tiền cho vay và sở hữu trái phiếu tại HAGL là 2.007 tỷ đồng, bao gồm 1.157 tỷ đồng cho vay tín dụng và 850 tỷ đồng sở hữu trái phiếu.
Một số chủ nợ khác có số dư nợ dưới hình thức cho vay tín dụng hoặc sở hữu trái phiếu tính đến ngày 30/6/2016, còn có Sacombank (925 tỷ đồng), Bắc Á Bank (520 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bản Việt (240 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (300 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong danh sách các chủ nợ lớn của HAGL xuất hiện mới một số công ty và cá nhân.
Công ty TNHH Chaleum Sekong Group, một doanh nghiệp lớn tại Lào, cho HAGL vay dưới hình thức tín chấp 509 tỷ đồng. CTCP Hoàn Mai sở hữu trái phiếu trị giá 50 tỷ đồng.
Cá nhân Đỗ Mai Anh Tuấn cũng cho HAGL vay tín chấp 155 tỷ đồng và ông Hoàng Phú Sơn sở hữu trái phiếu trị giá 280 triệu đồng. Ngoài ra, HAGL còn nợ một số cá nhân và công ty khác 66 tỷ đồng.
Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam tiếp tục đánh giá HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, chủ yếu là tài sản đảm bảo không đáp ứng được theo điều kiện quy định tại hợp đồng, hoặc khoản vay đến hạn thanh toán nhưng chưa thanh toán.
Đang chờ văn bản phê duyệt tái cơ cấu nợ |
Tác giả bài viết: Phương Diệp
Nguồn tin: