Xã hội

Đánh cược mạng sống tìm sâm rừng Ngọc Linh

Thợ tìm sâm bám rễ cây leo ghềnh thác tìm kiếm vận may, đêm xuống giấc ngủ không trọn vẹn bởi thú dữ rình rập.

Sau khi dược sĩ Đào Kim Long đưa củ sâm thoát khỏi vòng "bí mật" của dân làng Xê Đăng, các nghiên cứu chỉ ra sâm Ngọc Linh "tốt nhất thế giới", loài cây này được săn lùng gắt gao. Từng đoàn người đổ xô lên núi Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) săn sâm, bất chấp nguy cơ có thể bỏ mạng.


Tìm được củ sâm hơn 100 tuổi. Video: Trương Huỳnh

Bỏ mạng giữa núi rừng

Những năm 80 của thế kỷ trước, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi cây sâm rừng ra lá, trổ hoa màu đỏ chói dễ phát hiện, người dân Xê Đăng khăn gói gùi lương thực, thực phẩm lên đỉnh núi Ngọc Linh tìm. Mỗi chuyến đi rừng kéo dài 2 ngày đến một tuần, hành lý gồm gạo, muối trắng. Mỗi tốp đi ít nhất hai người, vừa đi vừa phát dọn cây.

Theo cha vào rừng kiếm sâm từ năm 17 tuổi, anh Hồ Văn Hủi (32 tuổi, nóc Tắk Ngo, xã Trà Linh) kể có lần cha con anh bị lạc giữa rừng hai ngày. Chống chọi qua cơn đói, hai người chắt chiu từng nhúm gạo nấu cháo húp. Gạo hết, họ chặt chuối rừng lấy phần ruột, thêm rau rừng ăn. Khi lạc đường đến địa phận Kon Tum, họ được người dân cho ăn cơm và chỉ đường về làng.

“Người dân Xê Đăng trước khi đi khai phá nơi tìm sâm mới sẽ chặt vỏ cây để đánh dấu đường về. Nhưng núi rừng Ngọc Linh toàn cây cổ thụ dày đặc, lối đi cây dây leo giăng kín nên chuyện lạc đường không tránh khỏi”, anh Hủi chia sẻ.

Ông Hồ Văn La cho hay, đồ nghề tìm sâm gồm cây rựa, lưng mang gùi. Ảnh: Đắc Thành

Đỉnh Ngọc Linh cao chót vót và rất nhiều thác ghềnh nguy hiểm, như thác Ngôm gần 100 m, để vượt qua thợ phải bám rễ cây leo lên. “Leo giống như con khỉ, khi xuống không dám nhìn. Chỉ sơ sẩy một bước chân là rơi xuống vực sâu”, ông Hồ Văn La (53 tuổi, ở làng Tắk Ngo) kể.

Theo ông La, sợ nhất là khi đêm xuống. Thợ thường chọn nơi gần khe suối, người lấy nước nấu cơm, người chặt lá cây trải ngủ cho đỡ lạnh. "Giữa núi rừng, tiếng hổ gầm, gấu kêu liên hồi nên phải đốt lửa rồi cắt cử người thức canh cho nhau ngủ. Ai cũng mong trời mau sáng để tránh gặp tai họa”, ông La kể tiếp.

Cách đây 10 năm, anh Hồ Văn Mui một lần vượt thác cao hơn 40 m tìm sâm đã không may rơi xuống. Đầu bị đập vào đá, anh Mui tử vong tại chỗ. Trường hợp bị chấn thương chảy máu, thợ gặp nhiều như cơm bữa, nhưng những vết thương này lấy sâm nhai nhỏ đắp vào sẽ khỏi.

“Biết là nguy hiểm, có khi phải bỏ mạng ở núi rừng, nhưng vì miếng cơm manh áo, đặc biệt khi sâm có giá thôi thúc chúng tôi lên đường. Nếu gặp may, trúng củ gần một kg đã nuôi sống được gia đình nhiều năm trời”, anh Hồ Văn Thiêu ở làng Tu Cring (xã Trà Linh) nói.

Anh Hồ Văn Thiêu cho biết, hiện muốn tìm sâm phải đến nhưng nơi nguy hiểm nhất chưa ai từng đến thì may ra còn sót lại. Ảnh: Đắc Thành


Một kg sâm từng chỉ bán được vài nghìn đồng

Nổi tiếng với biệt tài băng rừng, vượt thác khắp đỉnh Ngọc Linh, mỗi chuyến đi rừng, ông Hồ Văn La thường gùi sâm nặng trĩu về nhà. Ông bảo xưa sâm Ngọc Linh nhiều lắm, mỗi chuyến ít nhất vài kg, hôm nhiều đầy gùi. Sâm đưa về nhà xắt lát mỏng phơi khô đem bán, hoặc đổi lấy gạo, mắm muối.

“Vợ bố sinh 5 người con thì qua đời, một mình bố nuôi chúng. Để có cái ăn, đến mùa tìm sâm, bố ở trong rừng sâu lấy sâm đưa về đổi gạo, mắm muối nuôi đàn con. Nhờ đó mà các con khôn lớn như hôm nay”, ông La cho hay.

Những năm 80 của thế kỷ trước, sâm rất rẻ. Một củ sâm phơi khô cân lên gần một kg, bán được vài nghìn đồng. "Giờ được củ sâm như rứa, cả nhà không phải lên nương rẫy trồng lúa và rừng đặt bẫy thú, hái rau rừng kiếm nguồn thức ăn”, ông La tỏ vẻ tiếc rẻ.

Giai đoạn đầu, người dân Xê Đăng bắt gặp sâm rừng sẽ dùng dao cắt khúc mầm trồng lại đúng vị trí vừa đào lên, chỉ mang củ về. Họ ý thức cho cây sâm phát triển để sau này còn khai thác. Nhưng dòng người đổ về núi Ngọc Linh nhiều, phía Kon Tum đi qua, người miền xuôi đổ xô lên đã lấy sạch. "Sâm to, sâm nhỏ không chừa nên sâm Ngọc Linh tự nhiên mới sớm cạn kiệt”, ông La nói.

Hồ Văn Chiêu, con trai ông Hồ Văn Hạnh, đào được củ sâm tự nhiên nặng gần một kg, bán 200 triệu đồng. Ảnh: Đắc Thành

Cũng vì sâm tự nhiên cạn kiệt, trong khi nhu cầu lại rất lớn nên sâm giờ đắt hơn cả vàng. Giữa năm 2016, cha con anh Hồ Văn Hạnh (41 tuổi, ở làng Tu Cring, xã Trà Linh) trúng củ sâm tự nhiên nặng gần một kg, tuổi đời hơn 100 năm cực kỳ quý hiếm, bán được 200 triệu đồng.

Theo anh Hạnh, khu vực tìm được sâm in hằn dấu chân bao nhiêu người đi qua. Hôm đó, anh cùng người con trai Hồ Văn Chiêu (17 tuổi) đi bộ từ nhà đến nơi mất hơn 7 giờ vượt núi. Người con đi trước nhưng không phát hiện, anh Hạnh đi sau thấy cây sâm mọc trên thân gỗ mục nát. Ban đầu anh nghĩ là củ sâm nhỏ, càng đào thấy có 3 nhánh, dài hơn 50 cm, có hơn 100 đốt.

Ngọc Linh là núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa ngọn núi này đã tồn tại rất nhiều cây thuốc quý, nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh. Loài sâm này hiện sinh sống ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Ngày 12/4, tại Lào Cai, chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành dược liệu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, dù đã có một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa như: nghệ, thảo quả, táo mèo, atiso và một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Riêng về sâm Ngọc Linh, Thủ tướng dẫn lời các nhà khoa học cho rằng dược tính của sâm nước ngoài không bằng sâm Ngọc Linh.

Tác giả: Đắc Thành

Nguồn tin: VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP