Nhân ái

Đáng thương cảnh chồng bị tai nạn, vợ ôm tiền bồi thường bỏ đi biệt tích

Năm 2004, tai nạn lao động không lấy đi sinh mạng của người thanh niên 26 tuổi ở Cần Thơ, nhưng lại cướp đi đôi chân và di chứng không tự chủ được việc tiêu tiểu. Không đầu hàng số phận, mười mấy năm nay, anh vẫn ngày ngày đi bán vé số để nuôi mẹ già, em gái bệnh tật và con trai đang học cấp II.

Người đàn ông đáng thương đó là Trần Ngọc Kỷ, 46 tuổi, ở ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Lúc đang nằm viện, vợ dứt áo ra đi

Thời thanh niên, do gia cảnh nghèo khó, anh Kỷ theo bạn bè lên Bình Dương tìm kế mưu sinh. Tại đây, anh gặp gỡ và nên nghĩa vợ chồng với cô gái quê Đắk Lắk. Cưới nhau xong, anh về quê vợ sinh sống bằng nghề phụ hồ.

Trong căn nhà dột nát xập xệ, không có thứ gì đáng giá là 4 mẹ con, bà cháu ốm đau, bệnh tật bám víu vào nhau

Năm 2004, khi chỉ còn một tháng nữa là thôi nôi đứa con trai đầu lòng, anh Kỷ không may bị tai nạn lao động khiến anh bị gãy xương sống, phải nhập viện điều trị hơn một năm ở BV tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, anh bị liệt 2 chân do chấn thương tủy sống, mất tự chủ khi tiêu tiểu. Nỗi đau đớn của một thanh niên khỏe mạnh bỗng trở nên tàn phế lại chồng chất thêm khi vợ anh lấy toàn bộ số tiền nhà thầu bồi thường cho sự cố tai nạn ra đi, bỏ lại anh cùng đứa con thơ đang khát sữa.

Sau khi sức khỏe dần hồi phục, anh Kỷ đem con về Cần Thơ để nương nhờ mẹ già. Vượt lên nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, anh Kỷ kiên trì tập vật lý trị liệu, tập đứng lên, tập đi lại bằng gậy. Ba năm sau tai nạn, sức khỏe của anh dần hồi phục. Chứng kiến mẹ già tần tảo sớm hôm, em gái bệnh tật (bướu tim, hở van tim) phải nằm viện triền miên và đứa con nhỏ thì cần được ăn học anh Kỷ vực mình dậy với tinh thần tàn nhưng không phế.

Anh Kỷ không tự chủ được việc tiêu tiểu

Kể từ đó, anh Kỷ hành nghề bán vé số, ngày nắng cũng như ngày mưa, anh cùng chiếc xe 3 bánh rong ruổi khắp các nẻo đường từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Vĩnh Long …để lấy công làm lời. Anh kể, bán ở chợ gần nhà thì chỉ được vài chục ngàn đồng/ngày, không đủ chi phí xoay xở cho gia đình. Mỗi ngày anh thức từ 4h sáng đến các chợ xa thì may ra mới đủ cơm, cháo cho gia đình qua ngày.

Vài năm trở lại đây, vào các ngày thứ 7, chủ nhật có con trai anh là cháu Trần Ngọc Toàn đang học lớp 8, phụ giúp anh cùng đi bán vé số. “Từ tờ mờ sáng, hai cha con khăn gói ra đi, đến hơn 6h thì đến các điểm chợ, ăn vội ổ bánh mì không hay nắm xôi rồi bắt đầu ngày mới. Các ngày thứ 7, chủ nhật, hai cha con bán trên 200 tờ, ngày thường con trai phải đi học thì tôi bán được ít hơn”, anh Kỷ cho biết.

Khổ nhất là trong lúc đi bán vé số anh Kỷ không tự chủ tiêu tiểu. Anh phải buộc bọc ni lông vào dương vật, khi nào nước tiểu đầy bọc nilon thì thay bọc mới. Còn việc đại tiện cũng không tự chủ, mỗi khi dơ mình mẩy thì anh vào nhà vệ sinh công cộng tắm rửa sạch sẽ rồi tiếp tục đi bán. Dạo này, anh thường mệt do bệnh lý hở van tim, thiếu máu cơ tim. “Bác sĩ kêu nghỉ ngơi, đi lại ít, nhưng không đi bán thì chết đói, vì cảnh nhà ngặt quá”, anh Kỷ buồn rầu.

Do hai chân bị liệt, mất cảm giác nên khi bị va chạm xe cộ, anh bị thương, bị phỏng bô xe mà không hay. Đến khi về nhà, thấy bàn chân lở thịt, anh mới biết. Đến nay, bàn chân anh bị sưng phù, lở loét nửa năm rồi chưa khỏi.

Liệt nửa người nhưng phải nuôi mẹ già, em gái bệnh, con thơ dại

Hôm chúng tôi tới nhà, chị Trần Ngọc Hoa, em gái anh Kỷ, 44 tuổi, vừa trải qua cuộc phẫu thuật bướu tim. Chị mặt mày tái mét, ngồi thất thần tựa cửa. Chị Hoa bệnh triền miên, lấy bệnh viện làm nhà, phải nhập viện cấp cứu suốt vì lên cơn đau tim cấp.

Ngày nắng hay ngày mưa thì anh Kỷ cùng chiếc xe 3 bánh và cặp nạng rong ruổi khắp các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long bán vé số kiếm số tiền lời ít ỏi để đắp đổi qua ngày

Chi phí cuộc phẫu thuật mới đây là nhờ vào tiền hỗ trợ của địa phương khi gia đình anh Kỷ hiến một mảnh đất nhỏ để địa phương xây nhà thông tin ấp. Tuy nhiên, sau mổ chị Hoa vẫn phải thường xuyên uống thuốc và tái khám theo hẹn của bác sĩ mỗi tháng.

Mẹ anh Kỷ là bà Thạch Kim Tùng, năm nay 75 tuổi, chồng mất sớm, trải qua một đời khổ cực nuôi các con thơ, bệnh tật. Bà tuổi cao, sức yếu lại mắc bệnh cao huyết áp nên thường xuyên bị mệt nhưng vẫn phải lo quán xuyến công việc trong nhà. Bà nấu cơm nước, giặt giũ quần áo, trồng rau, kiếm củi nấu bếp vì không có tiền nấu bếp gas.

Nhiều đêm anh Kỷ ngủ quên, nước tiểu tràn ướt giường chiếu, sáng hôm sau bà phải giặt. Bà tâm sự: “Nó đi bán chứ ở nhà tui lo lắm, sợ có chuyện này chuyện kia, nhất là những hôm trời mưa. Nhưng cảnh nghèo thì phải chịu chứ biết sao bây giờ”.

Bà Thạch Kim Tùng (mẹ anh Kỷ) chồng mất sớm, trải qua một đời khổ cực nuôi các con thơ, bệnh tật.

Anh Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nhơn Ái cho biết, gia đình anh Kỷ rất đỗi khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương. Anh Kỷ bị tai nạn lao động, bệnh nhiều năm nay. Em gái anh Kỷ bệnh tật, mẹ già không sức lao động, con trai còn đi học.

Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, giải quyết các chế độ chính sách cho gia đình anh, khi mạnh thường quân hỗ trợ quà, cũng dành phần cho gia đình anh Kỷ. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của địa phương chỉ có hạn, trong khi sức khỏe của anh Kỷ ngày càng yếu, con trai đang tuổi đi học, cần chi phí rất lớn. Rất mong bạn đọc báo, giúp anh có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống và cho con trai anh được tiếp tục đến trường.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2942 : Anh Trần Ngọc Kỷ, ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

ĐT: 01226840106

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP